BVR&MT – Ngày 19/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cho biết, đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Tuy Đức chuyển hồ sơ vụ khai thác lâm sản trái phép số lượng lớn tại Công ty TNHH Hoàng Ba (Công ty Hoàng Ba), có địa chỉ tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức sang cơ quan công an cùng cấp khởi tố vụ án, điều tra theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông tiến hành kiểm tra, phát hiện có 15 cây rừng bị cắt hạ, khai thác gỗ trái phép tại lô 18;19 và 40; thuộc khoảnh một; tiểu khu 1522 lâm phần do Công ty Hoàng Ba quản lý. Quá trình đo đếm xác định có 23 lóng gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII bị khai thác, với tổng khối lượng hơn 68m3 gỗ tròn.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, do khu vực gỗ bị cưa hạ nằm sâu trong rừng nên lực lượng kiểm lâm rất khó phát hiện. Dựa vào kết quả khám nghiệm hiện trường thì số lượng gỗ khai thác trái phép nêu trên bị các đối tượng cưa hạ vào thời điểm mùa mưa cuối năm 2019. Vì lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn nghiêm ngặt nên các đối tượng không thể vận chuyển gỗ ra khỏi hiện trường. Điều đáng nói là trong khi rừng bị tàn phá rất nghiêm trọng nhưng đơn vị chủ rừng là Công ty Hoàng Ba không hề hay biết. Quá trình kiểm lâm tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý vụ việc Công ty Hoàng Ba không cử lực lượng tham gia.
Năm 2008, Công ty Hoàng Ba được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 1000ha đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên để thực hiện Dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, với thời hạn là 50 năm. Trong đó, diện tích rừng được quy hoạch, quản lý và bảo vệ gần 700ha. Đến năm 2018, qua kiểm tra rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông thì diện tích rừng của công ty này bị tàn phá là 320ha, thiệt hại gần 47 tỷ đồng. Năm 2019, Thanh tra tỉnh Đắk Nông tiến hành thanh tra toàn diện và kết luận nhiều sai phạm lớn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; chiếm dụng tiền dịch vụ môi trường rừng…
Nguyên nhân dẫn đến rừng bị tàn phá diện tích lớn, kéo dài trong nhiều năm là do Công ty Hoàng Ba buông lỏng quản lý. Sau khi nhận đất, rừng làm dự án, công ty này không triển khai thực hiện đúng dự án, không thực hiện các phương án, biện pháp bảo vệ và phát triển rừng theo quy định khiến rừng trở nên “vô chủ”. Công ty Hoàng Ba không tổ chức lực lượng quản lý bảo vệ rừng, trụ sở công ty thường xuyên đóng cửa; lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương không thể liên hệ được với lãnh đạo công ty để làm việc, kể cả khi rừng giao cho công ty này quản lý bị tàn phá… khiến chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phải tổ chức lực lượng, túc trực bảo vệ rừng thay cho công ty.