BVR&MT – Các tỉnh miền núi phía bắc có địa hình, khí hậu phức tạp, tập quán canh tác nhỏ lẻ, hạ tầng giao thông khó khăn… nhưng giàu tiềm năng về đất đai, đồi rừng, lợi thế cho phát triển nhiều loại nông, lâm, đặc sản. Ngành nông nghiệp khu vực này đang đứng trước đòi hỏi sự đầu tư mang tính đột phá, ứng dụng công nghệ cao tạo ra nhiều nông sản với năng suất, chất lượng cao để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển…
Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế tại nhiều địa phương ở khu vực miền núi phía bắc. Và đây cũng đang được coi là hướng đi phù hợp để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, từ đó nâng cao đời sống một cách bền vững cho đồng bào các dân tộc.
Nâng cao giá trị nông sản
Với lợi thế về khí hậu, đất đai, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang phát triển mạnh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp qua các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, ngoài chăn nuôi bò sữa, trồng hoa, cây cảnh, cây công nghiệp, các loại cây ăn quả cũng được các doanh nghiệp, các hộ gia đình trồng tập trung như: chanh leo, dâu, bơ, xoài, nhãn, mận với tổng diện tích lên tới hơn 7.000 ha. Toàn huyện hiện có hơn 300 trang trại mang lại thu nhập bình quân từ 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Nhiều diện tích cây ăn quả cho thu nhập từ 500 triệu đến 800 triệu đồng/ha/năm.
Tại xã Ðông Sang, một xã miền núi của huyện Mộc Châu đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, hiện có nhiều mô hình sản xuất NNCNC, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ gia đình hằng năm. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Giang cho biết, Ðông Sang có bảy dân tộc anh em chung sống, với diện tích tự nhiên gần 4.300 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm 95,14%. Từ năm 2018 đến nay, đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại do các doanh nghiệp đầu tư, có những trang trại đạt thu nhập 800 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng/năm. Nhờ áp dụng công nghệ trong nông nghiệp đã thay đổi tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc, từ năng suất bình quân 29 triệu đồng/ha năm 2013 đến nay đã đạt khoảng 50 triệu đồng/ha. Xác định áp dụng NNCNC là hướng đi phù hợp, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; mô hình ứng dụng công nghệ cao, khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Nhờ tập trung phát triển NNCNC gắn với chuỗi giá trị sản xuất, phát huy lợi thế địa hình và cây trồng phù hợp, đến nay, tỉnh Sơn La đã trồng được hơn 44.000 ha cây ăn quả, bình quân cho thu nhập 200 triệu đến 400 triệu đồng/ha. Ðịa phương này đang tích cực xây dựng và hình thành các vùng sản xuất NNCNC, trong đó, trọng tâm là sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị cao; áp dụng mô hình VietGAP. Tỉnh tập trung phát triển các vùng sản xuất lúa, rau, quả, chè, cà-phê an toàn, vùng sản xuất mía sử dụng công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước, vùng sản xuất rau, hoa, dược liệu trong nhà kính, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản an toàn; thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Phấn đấu đến hết năm nay, giá trị sản xuất NNCNC chiếm từ 15 đến 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Cũng như tỉnh Sơn La, các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Cao Bằng… đang tích cực xây dựng, triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà đang trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển NNCNC. Với việc triển khai xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa theo các tiểu vùng đặc trưng, đến nay huyện đã có các vùng chuyên canh phát triển sản xuất các loại rau trái vụ, các loại hoa quả và các giống hoa cao cấp trồng trong nhà kính, vùng trồng cây dược liệu đặc sản như đương quy, cát cánh, a-ti-sô, sâm Ngọc Linh… Toàn huyện hiện có khoảng 150 ha diện tích NNCNC, với hơn 58 ha cây ăn quả, 33 ha cây dược liệu, 40 ha cây rau các loại; 13 ha hoa trồng trong nhà kính, nhà lưới… cho thu nhập từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Còn tại tỉnh Hà Giang, với việc tạo điều kiện cho các trung tâm nghiên cứu khoa học tiếp cận các giống cây dược liệu quý, các giống cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, đến nay nhiều nguồn gien tốt của hàng chục loài dược liệu trong danh mục ưu tiên phát triển của tỉnh đã được điều tra, thu thập, đánh giá và bảo tồn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phục tráng được giống ngô tẻ vàng, giống lúa Già Dui, nếp Quảng Nguyên, nấm Hoàng Ðế, cam, quýt và loài vật nuôi bản địa có năng suất cao, mang lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ xây dựng hai mô hình hỗ trợ cho Hợp tác xã rau, củ, quả sạch Mạnh Liên tại xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) với diện tích nhà màng 3.200 m2 và Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã (huyện Lâm Thao) có diện tích nhà màng 1.020 m2. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục xây dựng hai mô hình nhà màng công nghệ cao và cũng đã được bàn giao cho hai hợp tác xã đưa vào hoạt động sản xuất: một mô hình nhà màng có diện tích 1.920 m2 của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Việt Trì – EcoFarm tại xã Hùng Lô (TP Việt Trì) và một nhà màng diện tích 1.920 m2 của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ngân Hà tại xã Thanh Minh (thị xã Phú Thọ). Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ các hộ gia đình có điều kiện tiếp cận NNCNC phát triển tại các hộ gia đình. Năm 2016, hộ nông dân Nguyễn Hoàng Mạnh ở xã Hương Nộn, đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng diện tích 2,5 ha sản xuất các loại rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới, công nghệ cao của I-xra-en. Ðến nay, sau bốn năm, sản phẩm sản xuất trong nhà lưới cho lãi hơn 60 triệu đồng/vụ/sào, gấp 10 lần so với sản xuất thông thường, trang trại tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Khuyến khích đầu tư để phát triển bền vững
Tại tỉnh Yên Bái, từ năm 2013, Chi nhánh Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thỏ thương phẩm làm nguyên liệu dược phẩm, sản xuất chế biến thịt thỏ và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông Vũ Trọng Hậu, Phụ trách Chi nhánh cho biết, khi đầu tư vào tỉnh Yên Bái, doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương. Chính vì vậy, sau một thời gian ngắn hoạt động, doanh nghiệp đã phát triển đàn thỏ với hơn 130.000 con. Lợi thế của doanh nghiệp là đang được Nhà nước Việt Nam hỗ trợ thuế, tiền thuê đất. Ðến nay, Chi nhánh đã tuyển dụng hàng chục lao động tại chỗ với mức thu nhập bình quân hằng tháng từ bốn triệu đến sáu triệu đồng. Từ những lao động phổ thông, qua đào tạo miễn phí, đến nay, nhiều người trong số họ là những công nhân, cán bộ có tay nghề. Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp này đang liên kết với các hộ gia đình tại địa phương tổ chức chăn nuôi thỏ và thu mua theo thỏa thuận. Nhờ đó, đời sống của người dân tại địa phương không ngừng được cải thiện. Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn) Hoàng Ðình Mưu cho biết, xã là một trong số những địa phương miền núi khó khăn của huyện. Toàn xã có 15 thôn, mức thu nhập bình quân rất thấp do tập quán canh tác, chăn nuôi lạc hậu, manh mún. Ðịnh hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới được đảng bộ, chính quyền xã xác định là ưu tiên thu hút đầu tư, nhất là NNCNC để giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao năng suất lao động và giá trị nông sản, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Với mong muốn giúp đồng bào các dân tộc phát triển NNCNC, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng thời mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để nông dân học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào các mô hình sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương này cũng tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NNCNC. Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình đầu tư hiệu quả như mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty TNHH Anh Nguyên; mô hình trồng rau quả trong nhà kính áp dụng hệ thống tưới nước tự động của Công ty cổ phần nông nghiệp Thiên Trường… Tại tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Ðầu tư xây dựng và thương mại 188 đang trở thành một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật sản xuất NNCNC. Hiện doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng khu NNCNC trên diện tích hơn 1,5 ha, với 12 nhà màng trồng rau thủy canh và trồng trên giá thể, tổng chi phí đầu tư ban đầu là 11 tỷ đồng. Hằng năm, sản lượng rau quả các loại của doanh nghiệp đạt từ 150 đến 200 tấn, cung cấp thường xuyên cho các nhà hàng, cửa hàng rau sạch, trường học, nhà máy, các hệ thống siêu thị, với doanh thu bình quân từ 3,6 tỷ đến 4,5 tỷ đồng/năm. “Green farm 188” đang trở thành một sản phẩm nông nghiệp sạch của doanh nghiệp được người tiêu dùng ưa chuộng và mô hình NNCNC của doanh nghiệp trở thành mô hình điểm của tỉnh Quảng Ninh, được nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập…