BVR&MT – Một nhà lãnh đạo môi trường nổi tiếng của Trung Quốc cho rằng lệnh cấm tạm thời đối với các chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc để ngăn chặn virus corona lây lan là “không đủ” và nên trở thành lệnh cấm vĩnh viễn.
Hưởng ứng lời kêu gọi từ các chuyên gia trên toàn thế giới về việc buôn bán gây ra tác động nguy hại đến đa dạng sinh học cũng như sự lây lan của dịch bệnh, Jinfeng Zhou, Tổng thư ký Quỹ Phát triển xanh và Bảo tồn đa dạng sinh học Trung Quốc (CBCGDF) cho biết lệnh cấm không giải quyết được tận gốc nguyên nhân dịch bệnh bùng phát mà phải hướng vào chế tài kém và mức độ buôn bán lậu cao.
Virus corona được cho là bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố công nghiệp Vũ Hán – nơi các loài động vật hoang dã như rắn, nhím và tê tê bị nhốt sống trong lồng để chào hàng. Lệnh cấm ở cấp quốc gia có nghĩa là việc buôn bán động vật hoang dã sẽ không được phép bán trong các chợ, nhà hàng hoặc trên các trang web thương mại điện tử cho đến khi dịch virus corona kết thúc.
Zhou nhấn mạnh: “Lệnh cấm tạm thời này là không đủ. Buôn bán nên bị cấm vô thời hạn, ít nhất là cho đến khi các luật lệ mới được ban hành. Chúng tôi đã mắc các bệnh tương tự do buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và nếu không cấm buôn bán thì các bệnh này lại xảy ra”.
Trung Quốc thông qua luật bảo vệ động vật hoang dã vào năm 1988 nhưng danh sách các loài được bảo vệ đã không được cập nhật trong ba thập kỷ, vì thế không ít người chỉ trích chính quyền không mấy nỗ lực để thực thi. Được thành lập năm 1985 và là một trong những tổ chức động vật hoang dã lâu đời nhất ở Trung Quốc, Quỹ CBCGDF hiện đang vận động cho một đạo luật bảo vệ đa dạng sinh học mới.
Lệnh cấm tạm thời làm bật lên tình trạng Trung Quốc quản lý hoạt động buôn bán động vật hoang dã rất kém, một phần vì nhu cầu của nước này đối với y học cổ truyền và thực phẩm độc lạ. Trước khi chợ hải sản Hoa Nam đóng cửa ngày 1/1/2020, ở đây bán tới 30 loài động vật, kể cả sói con còn sống, kỳ nhông, kim thiền, cầy hương và dúi.
Động vật bán ở những khu chợ này thường bị nhốt trong điều kiện bẩn thỉu, lẫn cả phân của chính chúng, điều đó có nghĩa là chúng có thể gieo mầm bệnh trước khi lây lan cho người. Các chợ tương tự khá phổ biến ở khắp Trung Quốc và là nguồn gốc của dịch bệnh trong quá khứ.
Tiến sĩ Christian Walzer, chuyên gia thú y toàn cầu thuộc WCS cho biết lệnh cấm tạm thời là bước đầu tiên quan trọng trong việc cấm vĩnh viễn buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc.
“Con người nhiễm bệnh do ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã ở những khu chợ này, quần thể động vật hoang dã đang cạn kiệt do bị săn trộm và săn lùng cho các khu chợ như thế, còn các nền kinh tế và người nghèo, đặc biệt là những người nghèo nhất bị tổn hại khi việc tiêu hủy hàng loạt động vật để đối phó với những đợt bùng phát dịch bệnh sẽ làm tăng chi phí chất đạm động vật (những loài đã được thuần hóa và nuôi ở trang trại như gà, lợn)”.
Khoảng năm 2002-2003, dịch SARS (một dạng virus corona) lan rộng khắp Trung Quốc và khiến 800 người thiệt mạng trên toàn thế giới dẫn đến một lệnh cấm tạm thời đối với các chợ động vật hoang dã. Sau đó dơi bị kết luận là nguồn gây bệnh. Các cố vấn y tế của chính phủ Trung Quốc đã xác định lửng, rắn và chuột có thể là nguồn gây ra đợt bùng phát mới nhất.
Tuy nhiên, Giáo sư James Wood, người đứng đầu bộ môn thú y thuộc Đại học Cambridge cho rằng lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã hiện tại sẽ không ngăn chặn được virus lây lan. Bằng chứng cho thấy là “hiệu ứng lây lan sang người, sau đó là sự lây truyền từ người sang người”.
Mặc dù hầu hết mọi người ủng hộ các lệnh cấm tiếp thị động vật hoang dã còn sống nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện các lệnh cấm tạm thời đối với các loại hình thương mại đã được thiết lập tốt.
“Điều quan trọng là phát triển và triển khai các khung pháp lý rõ ràng, nếu không động vật hoang dã bán tại các chợ sẽ bị chuyển đổi từ bắt ngoài tự nhiên thành động vật nuôi nhốt”.
Lệnh cấm tạm thời được đưa ra khi Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Công ước Đa dạng sinh học tại Côn Minh vào tháng 10 năm nay – cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới thống nhất một kế hoạch hành động mới nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng toàn cầu trong thập kỷ tới. Theo một bài báo được công bố trên Science năm 2019, ở cấp độ toàn cầu, 8.775 loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn buôn bán bất hợp pháp.
Steven Galster, người sáng lập tổ chức Freeland cho biết: “Trung Quốc sẽ được biểu dương vì thực hiện một động thái táo bạo như vậy để cấm buôn bán động vật hoang dã. Chúng ta nên khuyến khích Trung Quốc duy trì lệnh cấm này vĩnh viễn. Lệnh cấm vĩnh viễn sẽ cứu sống con người và góp phần phục hồi các quần thể động vật hoang dã trên toàn thế giới”.
Nhật Anh (Theo Guardian)