BVR&MT – Bà Nguyễn Thị Kim Hai, 56 tuổi ngụ ấp 9 xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long nói rất vui về việc làm của mình: “bà con ấp này được chính quyền tuyên truyền tác hại của việc bỏ rác thải bừa bãi nhất là rác thải nhựa sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, Cạnh đó là sự nguy hiểm của chai lọ đựng thuốc trừ sâu tác hại đến sức khỏe của mình. Từ đó chúng tôi đều thực hiện việc phân loại rác trước khi xe lấy rác đến thu gom. Việc làm này tuy có mất thời gian đôi chút nhưng ý nghĩa rất lớn”.
Cùng đồng tình với bà Hai, ông Hà Thế Thái ngụ ấp Phú Nghĩa, xã Tân Phú cho biết: “sau khi được chính quyền phân tích vận động, người dân nơi đây đã bỏ chai lọ thuốc trừ sâu vào các sọt chứa chuyên dùng của ngành Tài nguyên môi trường huyện cung cấp, có tốn kém gì đâu lại vừa đảm bảo an toàn cho chính mình và bà con xung quanh”.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều người dân mà chúng tôi được tiếp xúc trên địa bàn huyện Tam Bình. Tất cả đều xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của mỗi người dân khi đã nhận ra tác hại của việc vứt rác bừa bãi xuống kênh, rạch, hay sử dụng rác thải nhựa khó có khả năng phân hủy theo thời gian. Cạnh đó người dân Tam Bình giờ đã nhận thức được sự nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe khi vỏ chai lọ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật bị vứt bừa bãi trên ruộng, vườn sau khi sử dụng.
Ông Trần Ngọc Lam , Trưởng phòng TNMT huyện Tam Bình cho biết: “quan trọng hơn hết là ý thức chấp hành tốt của nhân dân thông qua sự vận động tuyên truyền của cả hệ thống chính trị. Khi họ đã hiểu, đã thông, đã đồng tình thực hiện thì khó khăn ấy cũng vượt qua được”.
Tam Bình là huyện vùng ven có địa hình rộng lớn với 16 xã, 1 thị trấn. Những năm qua hệ thống giao thông từ huyện đến các xã đã tương đối hoàn chỉnh. Thêm vào đó các tuyến đường GTNT các ấp đều được mở rộng bằng hình thức đổ nhựa, pê tông tạo sự đi lại dễ dàng trong dân quanh năm và cũng là yếu tố thuận lợi trong công tác thu gom rác thải ở các địa bàn sâu, xa mà xe lấy rác cơ giới không thể tiếp cận.
Hiện nay trên các tuyến giao thông chính trên địa bàn huyện, 3 xe lấy rác chuyên dụng tổ chức lấy rác mỗi ngày một lần vào những giờ cố định không để tồn đọng rác trong ngày. Vào những ngày cao điểm như lễ, tết… tần suất hoạt động các xe này là 2 lần/ngày. Riêng địa bàn có đường giao thông nhỏ hơn, các xe lấy rác 3 bánh cơ động sẽ thực hiện việc thu gom từ các tuyến đường và trung chuyển rác ra các tuyến đường chính để xe rác đến nhận và chuyển đi. Tần suất lấy rác ở các nơi này là 2 ngày/1 lần, vào các đỉnh điểm sẽ lấy rác mỗi ngày.
Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Tam Bình đã được bố trí hàng ngàn thùng rác công cộng nhưng không dàn trải mà bố trí điểm đặt thưa, nhạt tùy theo lượng dân cư đang có; tùy theo mật độ kinh doanh mua bán của người dân. Mỗi năm ngành TNMT còn bổ sung thêm khoảng 500 thùng rác để thay thế những thùng rác hư hỏng không đảm bảo vệ sinh môi trường. Riêng các xã, thị trấn tùy theo kinh phí bổ sung các thùng rác quy mô nhỏ hơn đặt dọc theo các ấp phục vụ cho việc thu gom rác rất nhanh chóng thuận tiện, nhất là những tuyến đường cạnh sông rạch thường xảy ra tình trạng tùy tiện vứt rác thải sinh hoạt xuống kênh, mương.
Anh Nguyễn Văn Thế, ngụ xã Phú Thịnh cho biết thêm: “bây giờ nhà nước bố trí thùng rác lớn, sạch, đẹp và lấy rác liên tục thì hà cớ gì bà con mình lại vứt rác xuống kênh rạch làm mất vẻ mỹ quan và ô nhiễm nguồn nước”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, phó trưởng phòng TNMT cho biết thêm: “chúng tôi liên kết rất chặt chẽ, có kế hoạch phối hợp cùng các ban ngành đoàn thể, các đơn vị trường học để thực hiện tốt công tác này. Đây là lực lượng tuyên truyền rất hiệu quả trong thời gian qua. Cạnh đó hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn cũng làm tốt công tác truyền thông về lĩnh vực này. Chúng tôi còn làm tốt công tác biểu dương, điển hình các cá nhân, tập thể thực hiện tốt việc bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ để vận động quần chúng làm theo. Đồng thời mạnh dạn góp ý, phê bình những trường hợp làm qua loa, không đi vào thực chất. Ngoài ra chúng tôi đã chọn xã Mỹ Lộc làm điểm chỉ đạo để các địa phương khác tham quan, rút kinh nghiệm rất thành công”.
Một cách làm mới cũng rất hiệu quả từ thị trấn Tam Bình là mô hình “Trồng hoa cặp lộ” của Đoàn thanh niên, mô hình “Tuyến đường không rác” của Hội liên hiệp phụ nữ và hội Nông dân. Cụ thể đã tuyên truyền sâu rộng trong hội viên phụ nữ bỏ rác đúng nơi, vận động khách vãng lai khi đến chợ bỏ rác vào thùng, hạn chế dùng túi nhựa. Riêng đoàn thanh niên tổ chức trồng hoa theo các tuyến đường để có thêm những mảng xanh trong lành, sạch, đẹp. Hàng tháng Đảng ủy, HĐND thường xuyên đưa các tiêu chí môi trường vào các nghị quyết lãnh đạo, điều hành. Ban chỉ đạo văn minh đô thị họp thống nhất mỗi tuyến đường được giao cho một đoàn thể chịu trách nhiệm quản lý phối hợp cùng với nhóm tuyên truyền vận động nhân dân không vứt rác trên đường gây mất mỹ quan và nêu gương những cá nhân thực hiện tốt.
Có thể nói để có được bộ mặt xanh – sạch – đẹp – an toàn – văn minh của huyện Tam Bình hôm nay là nhờ sự đồng lòng vào cuộc một cách quyết liệt, bài bản; sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn, các ấp trực thuộc; quan trọng hơn cả là ý thức trách nhiệm và ủng hộ cao của người dân khi đã nhận ra được tiện tích, tầm quan trọng, nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân, gia đình khi tham gia công việc xử lý các loại rác thải một cách khoa học, căn cơ.
Bài, ảnh: Phạm Thị Anh Thư