BVR&MT – Bản Nậm Sò thuộc xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, nơi có 6,5 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc.
Nậm Sò theo tiếng Giáy có nghĩa là nước xiết, song theo tiếng Dao lại là nước ít. Cùng một vùng đất, cùng một cái tên lại có hai ý nghĩa trái ngược nhau, kể cũng lạ, song xét cho cùng nghĩa nào cũng có cái lý của nó. Con suối chảy qua Nậm Sò khá rộng, ngấn nước hai bên bờ phô ra dấu vết của sự sung mãn, đúng với nghĩa nước xiết, song cũng con suối đón những dòng sữa chắt ra từ lòng mẹ núi ấy mà dòng nước vón lại như một cái lạch, lấy nước đâu mà chảy xiết.
Là một vùng đất nằm trong hành lang bảo vệ biên giới nên sau chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tháng 2 năm 1979 Nậm Sò là vùng đất trắng. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc được bình thường hóa trở lại nhân dân các dân tộc được phép ra sinh cơ lập nghiệp tại các vùng đất dọc biên giới. Trước áp lực đất chật người đông của một số hộ người Dao trong xã Bản Phiệt, một số hộ người Mông từ huyện Bắc Hà đã tự ý di cư đến lập bản ở vùng đất này, đói ăn, đói mặc, không có gì đảm bảo cho hôm nay, ngày mai khiến họ phải kiếm lấy miếng ăn bằng mọi giá. Rồi tệ nạn xã hội nữa, đứng trên bờ suối dọc đường biên, chỉ cần dậm chân qua bên kia là có thể mang hàng lậu đi, mang hàng lậu về, là có thể tạm thời lẩn trốn được sự kiểm soát pháp luật, rồi còn biết bao những phức tạp nảy sinh trên dải đất hẹp này… Trước yêu cầu giãn dân, của quản lý dân cư, quản lý đường biên, mốc giới, quản lý rừng, để cho người dân tự bảo vệ sự bình yên không chỉ cho gia đình mình mà còn cho cả một vùng biên giới mà năm 2003 bản Nậm Sò được khai sinh chính thức. Nậm Sò lúc đó có 58 hộ, hơn 300 nhân khẩu (chủ yếu là các hộ người Mông, Dao của hai thôn Nậm Siu và Thủy Điện của xã Bản Phiệt). Do việc định cư theo kế hoạch nên bản được Nhà nước đầu tư “đến tận răng”, mỗi nhà lúc đó được cấp 15 triệu đồng làm nhà; được xây trường học, chương trình nước sinh hoạt đưa nước về tới bếp từng nhà, đường ô tô về tới tận cổng… Những thứ được cấp không ấy là nền móng thuận lợi cho bất cứ một làng bản nào, một gia đình nào muốn an cư lạc nghiệp.
Việc quản lý vốn lập bản ở Nậm Sò khá tốt. Dưới sự giám sát của xã, của thôn, các công trình như làm đường, nuớc sạch, thủy lợi, nhà trường, nhà văn hóa thôn được xây dựng chắc chắn, hợp lý. Các hộ dân thực hiện di chuyển từng bước, người đến trước, đến sau hỗ trợ, đổi công cho nhau trong làm nhà, khai ruộng. Nhà cửa làm đúng tiêu chuẩn mới được nghiệm thu, được nhận tiền, được chuyển cả nhà đến ở.
Là một bản được giao quản lý hơn 2.000 ha đất tự nhiên, trong đó chỉ có hơn 10 ha ruộng bậc thang, diện tích còn lại là đồi nương, rừng và đất trống đồi trọc cho nên việc sản xuất lương thực thực phẩm của các hộ dân trong bản vô cùng khó khăn. Để nuôi sống được mình, với sự giúp đỡ, hướng dẫn của bộ đội biên phòng, của xã, các hộ đã khởi đầu mưu sinh bằng việc trồng sắn. Do nương mới, đất xốp lại được bên biên giới Trung Quốc giúp việc tiêu thụ với giá cả hợp lý nên vụ sắn đầu tiên cả bản được mùa, năng xuất thu hoạch mỗi ha chừng 15 tấn củ, thu nhập chừng 20 triệu đồng/ha, mức thu nhập kỷ lục của sản xuất nông nghiệp ở vùng cao lúc bấy giờ. Thu hoạch được vài vụ sắn, có của ăn của để bà con nghĩ ngay đến chuyện trồng dứa.
Thông qua con đường ngoại giao nhân dân với nhân dân bên bạn, qua học hỏi cách trồng, cách chăm sóc dứa của những người đồng tộc “vua dứa” đất Na Lốc – Cốc Phương, qua kết quả tìm kiếm thị trường bên kia biên giới, cây dứa dần dần lên ngôi và trụ vững trên đất Nậm Sò. Không chỉ có sắn, dứa, hiện nay bản có trên 60 ha cây cao su, trong đó của Công ty Cao su Dầu Tiếng là 53,3 ha, 2,6 ha thủy sản. Bản đã thành lập tổ “Bạn giúp bạn” giúp nhau trong sản xuất, vay vốn, nhân lực, vật tư, thu nhập cũng như đời sống tinh thần của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt, nhất là khi con đường tuần tra biên giới từ đường Quốc lộ 4D men theo đường biên, nối với thôn Na Lốc – Cốc Phương xã Bản Lầu được khai thông.
Theo con đường bê tông chúng tôi ngược lên đỉnh dốc. Từ trên cao nhìn xuống, quanh bản Nậm Sò ngập trong màu xanh. Trải trên các mỏm, vạt đồi là những nương ngô, nương lúa, những đồi dứa nối nhau, dưới thung lũng là các khoảnh ruộng lúa, xa xa là những vạt rừng cao su, rừng phòng hộ. Màu xanh gợi lên sự no đủ, thanh bình, song màu xanh cũng gợi lên những phấp phỏng, lo âu. Việc giữ rừng ở nơi đây chắc là khó, khó lắm, chân nương là rừng, chân ao, chân ruộng cũng là rừng, chỉ cần một lần con người không cưỡng được lòng mình là dẫu các loại gỗ đến cây vầu, cây nứa cũng phải làm mồi cho thần lửa, lúc đó sẽ khó mà cấy trồng, lũ ống, lở núi sẽ xảy ra.
Dường như để an ủi chúng tôi, tiếng lích chích vui nhộn của những đôi chim lẫn trong các lùm cây đã làm dịu đi cái nóng ngột ngạt của trưa hè. Có cây là có chim, sự tri kỷ, tri âm của tạo hóa hay thông điệp của đấng thiêng liêng ban tặng cho vạn vật? Song, “đất lành chim đậu”, đó là lẽ của tự nhiên và cũng là khao khát của lòng người, hãy cố mà gìn giữ nhé Nậm Sò ơi!
Bài, ảnh: Đoàn Hữu Nam