BVR&MT – Theo thông tin từ Bộ Tài Nguyên&Môi Trường, mùa xâm nhập mặn năm nay đã xuất hiện sớm hơn từ 1 đến 2 tháng so với cùng kỳ năm trước. Dự báo mức độ mặn sẽ nhiều hơn, phạm vi lan rộng hơn nhất là các tỉnh ven biển như: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu…
Mức độ gay gắt nhất dự kiến diễn ra từ giữa tháng 3 đến hết tháng 5/2020. Đáng nói hơn là mức độ xâm nhập mặn có nơi vượt qua cự ly 50 km như: sông Cửa Tiểu và Cửa Đại (Tiền Giang) phạm vi xâm nhập mặn 50km (sâu hơn trung bình nhiều năm từ 18 đến 20 km); trên sông Hàm Luông và Cổ Chiên (Bến Tre), phạm vi xâm nhập mặn từ 57 đến 65 km cao hơn các năm trước từ 26 đến 27 km; tại sông Định An (Trà Vinh) và sông Trần Đề (Sóc Trăng) phạm vi xâm nhập cũng tương tự.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định: Năm 2019 lũ nhỏ, mùa mưa lại kết thúc sớm, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ sớm đe dọa vùng ĐBSCL. Chính vì lượng mưa ít hơn so với năm 2019 sẽ là một yếu tố đáng lo ngại để độ mặn tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, việc khai thác bừa bãi, quá đà nguồn tài nguyên nước ngầm cũng khiến cho độ mặn tăng cao kho kiểm soát và ngăn chặn.
Trước tình hình trên, các địa phương ở ĐBSCL đã chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể đối phó với hạn mặn phù hợp với đặc điểm, địa hình, khả năng từ ngân sách và phù hợp với tập quán người dân để đạt hiệu quả cao nhất.
Tại nhiều nơi, nhà nước đã hỗ trợ các hộ dân xây bồn chứa dự trữ nước sinh hoạt hàng ngày, đồng thời tận dụng triệt để nước mưa từ các cơn mưa đột xuất, trái mùa. Tại Bến Tre, ngành nông nghiệp phối hợp với nông dân đào ao trữ nước ngọt, hỗ trợ kinh phí mua máy bơm dẫn nước ngọt vào vườn, ruộng. Tại Trà Vinh, các địa phương cũng đã phát động nhân dân mua túi trữ nước ngọt với thể tích lớn để sử dụng trong thời gian dài.
Tại Bến Tre, các ngành các cấp đẩy mạnh việc tuyên truyền thông báo nhanh đến các hộ dân cảnh báo tình hình hạn mặn để có kế hoạch sản xuất, đối phó phù hợp nhất. Đặc biệt là các thông tin rất hiệu quả thông qua điện thoại, hệ thống thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết một số giải pháp: “chúng tôi đã bố trí 46 điểm đo mặn nhằm tăng cường đo kiểm tra trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý. Tổ chức trực ban và theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình xâm nhập mặn để chuyển tiếp thông tin, hướng dẫn và khuyến cáo người dân kịp thời thực hiện các giải pháp ứng phó. Nếu mặn ngập quá sâu, sẽ có những giải pháp đắp đập, bơm chuyền lấy nước từ thượng nguồn để cung cấp cho nhà máy nước Ba Lai phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân”.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng đã áp dụng nhiều giải pháp để tích trữ nước ngọt như: điều tiết nước giữa các kênh, chủ động bơm nước ngọt vào trong các kênh, đậy nắp cống,… nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt các công trình bơm tưới tại các cống, với mục tiêu bảo vệ sản xuất cho trên 138.000 ha lúa đông xuân, hoa màu, cây ăn trái…
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường đầu tư mở các tuyến ống cấp nước cho các địa phương, Riêng các huyện cù lao, các nơi giáp biển chúng tôi trang bị bồn chứa công cộng cung cấp miễn phí cho nhân dân đảm bảo đủ nước trong sinh hoạt mùa khô hạn”.
Tại Hậu Giang, chính quyền địa phương đang khẩn trương nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nội đồng, khuyến cáo người dân xuống giống Đông xuân sớm để né hạn mặn; xây dựng hồ chứa nước ngọt tại huyện Vị Thủy để cung cấp nước ngọt cho nhân dân khi cần thiết.
Một số chuyên gia về môi trường khuyến cáo tới người dân: cần giảm nhanh diện tích canh tác lúa ở những nơi có gò đất cao; các vùng ven biển. Bên cạnh đó, nên chuyển diện tích trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản và rau màu. Đồng thời, tiến hành các giải pháp trữ nước ngọt trong ao mương, các bể chứa. Ngoài ra, chính quyền nên xem khô hạn là dạng thiên tai cần phải trợ giúp người dân. Có thể đề xuất ngân hàng cho nông dân vay mua vật dụng trữ nước với lãi suất thấp hoặc không lãi, ngoài ra vận động các tổ chức, nhà hảo tâm, doanh nghiệp tham gia cung cấp phương tiện trữ nước cho cộng đồng.
Bài, ảnh: Trương Thanh Liêm