BVR&MT – Mới đây, Sở Y tế vừa ban hành Kế hoạch số 107/KH-SYT về phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội năm 2020.
Tại Hà Nội, hàng năm, đều ghi nhận số mắc cao so với các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt lại các quận nội thành và các huyện vùng ven đô. Năm 2019, toàn thành phố ghi nhận 12.256 trường hợp mắc SXH. Số mắc ghi nhận rải rác, không bùng phát dịch lớn, không ghi nhận ổ dịch phức tạp và không có ca tử vong. Năm 2020, Sở Y tế đặt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh SXH, khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô. Cụ thể, khống chế số ca mắc SXH trên địa bàn Thành phố dưới 150 trường hợp/100.000 dân và số ca chết/mắc dưới 0,02%. Khống chế không để dịch lớn xảy ra.
Theo đó, khi chưa có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn, tiến hành xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch các cấp; thành lập đội xung kích diệt bọ gậy và các tổ giám sát tại 100% xã, phường, thị trấn. Tiến hành giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Đồng thời, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thuốc men sẵn sàng cho việc thu dung, cấp cứu điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân phối hợp thực hiện tôt các biện pháp phòng bệnh; vận động người dân thường xuyên áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt; hướng dẫn người dân khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần phải đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Khi có bệnh nhân nhưng chưa có ổ dịch, tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân mới tại khu vực có bệnh nhân. Huy động đội xung kích kiểm tra, giám sát hộ gia đình và điểm nguy cơ trong khu vực có bệnh nhân trong vòng 2 tuần sau khi phát hiện ca bệnh để phát hiện sớm bệnh nhân tiếp theo, mỗi tuần 1 lần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn diệt bọ gậy.
Đồng thời, khi xuất hiện ổ dịch, tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân mới và người nghi mắc SXH tại khu vực có ổ dịch thông qua hoạt động của đội xung kích và cán bộ y tế cũng như thông tin từ cộng đồng hàng ngày; Tổ chức diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi xử lý dịch triệt để trong khu vực ổ dịch, đạt ít nhất 95% hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu vực công cộng được xử lý. Bán kính xử lý ổ dịch 150m (với nội thành), 200 m (với ngoại thành); Mở rộng phạm vi xử lý tùy thuộc diễn biến thực tế về số mắc bệnh và tình trạng côn trùng. Tất cả các các ổ dịch khi chưa được xử lý triệt để cần phải tiếp tục xử lý đến khi đạt kết quả trên 95% hộ gia đình cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu vực công cộng trong bán kính ổ dịch được kiểm tra loại trừ ổ bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành ít nhất 02 lần.
Khi dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng: Duy trì giao ban BCĐ phòng chống dịch các cấp: BCĐ Thành phố giao ban hàng tuần; BCĐ quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn giao ban hàng ngày; Huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và kịp thời bổ sung tối đa nguồn lực cho công tác phòng chống dịch SXH nhằm nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, cần thực hiện quyết liệt việc phân tuyến điều trị nhằm giảm tải các bệnh viện tuyến cuối. Các cơ sở khám, chữa bệnh tập trung tối đa nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa biến chứng và tử vong, sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết; Hàng ngày cập nhật các thông tin, truyền tải các thông điệp, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp nhằm cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng đồng thời, phối hợp trong công tác phòng chống dịch SXH.
Thạch Thảo (tổng hợp)