BVR&MT – Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt “Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”.
Cụ thể, mục tiêu tổng quát của Đề án là tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân sử dụng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh (nông, lâm trường).
Theo đó, về nhiệm vụ Trung ương tổ chức thực hiện, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương; ban hành các văn bản liên quan đến xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước; xây dựng và thực hiện các phương án hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí đối với các địa phương; thực hiện các hoạt động kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và xử lý các vi phạm đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.
Bên cạnh đó, thực hiện điều tra, thống kê quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương; tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng đất; lập các báo cáo, đề xuất, văn bản chuyên đề về đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường và xây dựng bộ dữ liệu đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên phạm vi cả nước; tích hợp dữ liệu địa chính đối với toàn bộ diện tích đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường vào cơ sở dữ liệu đất đai Trung ương; đề xuất các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất và tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên phạm vi cả nước.
Về nhiệm vụ địa phương tổ chức thực hiện, thiết lập hệ thống bản đồ và hồ sơ kỹ thuật phản ánh chính xác, đầy đủ theo đúng hiện trạng ranh giới các loại đất; ranh giới đất thuộc tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng.
Tiến hành rà soát, xác định rõ ràng về nguồn gốc sử dụng đất, hình thức sử dụng đất và tình hình sử dụng đất; xây dựng được phương án sử dụng đất, phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ giao đất, cho thuê đất đồng bộ, thống nhất với kết quả xác định ranh giới trên thực địa và thực hiện phương án chuyển hình thức từ Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức Nhà nước cho thuê đất đối với diện tích đất phải chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật.
Đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính, xây dựng dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường (bao gồm cả dữ liệu địa chính đối với đất của các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP).
Ngoài ra, tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường vào cơ sở dữ liệu đất đai địa phương; thực hiện các hoạt động kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; thực hiện xử lý, thu hồi đất đai, tài sản gắn liền với đất và nghĩa vụ tài chính đất đai theo quy định của pháp luật; đề xuất các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất và tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường tại địa phương.
Thạch Thảo (tổng hợp)