BVR&MT – Nỗi sợ hãi ám ảnh Ko Than Htoo, trụ cột chính của gia đình năm thành viên, là một ngày nào đó hồ Inle sẽ khô cạn. Hơn 25 năm làm lái đò nhưng chỉ hai năm trước, ông phải rời hồ Pekon gần đó sau khi mực nước xuống đến mức thuyền mắc cạn.
Là khu Ramsar và Khu bảo tồn sinh quyển UNESCO, Inle là hồ lớn thứ hai ở Myanmar, nổi danh về sự đa dạng phong phú của các loài chim và cá. Tuy nhiên, điều đó đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng, ô nhiễm, nông nghiệp và du lịch không bền vững.
“Sinh kế của tôi gắn liền với hồ. Tôi lo ngại về tương lai của hồ bởi đã chứng kiến tác động của mực nước hồ giảm. Người dân không bao giờ ngừng chặt cây trên đồi và mỗi khi có mưa, tất cả bùn đất từ thượng nguồn sẽ chảy xuống hồ. Chúng ta nên làm gì đó để giữ cho hồ Inle tồn tại, và nó cũng sẽ giữ cho chúng ta tồn tại”, Ko Than Htoo chia sẻ.
Có hàng ngàn người như Ko Than Htoo và cộng đồng người Intha sống dựa vào tài nguyên đất ngập nước.
Có nhiều ngôi làng của người Intha trên hồ và những khu vườn nổi của họ thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu hóa học đã gây ô nhiễm nước. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài sử dụng thuốc trừ sâu. Nếu chúng tôi không dùng thì cây cà chua khó tồn tại bởi có nhiều loài gây hại ở đây”, theo lời chia sẻ của nông dân 42 tuổi trồng cà chua Daw Khin Htwe.
Một mối quan tâm không kém quan trọng về môi trường là nước bị ô nhiễm từ các trang trại ở thượng nguồn làm gia tăng các loài xâm hại như lục bình và ốc sên.
U Myint Soe, một nông dân trồng lúa, nói rằng từ lâu nông dân đã sử dụng phân bón hóa học.
“Lúa gạo là cây trồng chính của chúng tôi. Chúng tôi sử dụng phân bón hóa học để có năng suất tốt hơn”.
Năm 2010, khu vực này hứng chịu một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử khiến mực nước hồ xuống thấp kỷ lục, ảnh hưởng xấu đến các khu vườn nổi, và du lịch.
“Đó là lời cảnh tỉnh”, U Kyaw Kyaw Oo, Phó Giám đốc Cục Thủy lợi Nyaung Shwe thuộc Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi Myanmar, nhìn nhận.
Vụ việc khiến mọi người nhận ra rằng hồ quan trọng như thế nào đối với người dân và cần thúc đẩy chính phủ đưa ra Kế hoạch bảo tồn và phục hồi lâu dài cho hồ Inle với sự hỗ trợ từ UN Habitat.
Từ 2012, UNDP góp tay vào việc bảo tồn hồ qua một gói các sáng kiến bảo tồn ở đầu nguồn, thể hiện cách đảo ngược sự suy thoái môi trường và cải thiện cuộc sống của người dân. Khoảng 9.500 hộ gia đình tham gia canh tác hữu cơ, quản lý chất thải, kiểm soát thủy sản và áp dụng các phương pháp canh tác khác thân thiện với môi trường.
“Chúng tôi có thể chấm dứt việc đánh cá bằng ắc quy khi mọi người trong cộng đồng ủng hộ chiến dịch này”, người đứng đầu cộng đồng U Zaw Win hồ hởi.
Trong khi một số chiến dịch nhanh chóng mang lại kết quả rõ ràng thì những chiến dịch như chuyển sang canh tác hữu cơ cần sự tham gia dài hơi hơn.
Trên thực tế, mặc dù có một số kết quả ấn tượng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ toàn bộ vùng đầu nguồn có dân số hơn 160.000 người, đồng thời giải quyết một số phức tạp về mặt chính trị – xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thu hút được các dân tộc thiểu số khác sống ở vùng núi quanh hồ.
Theo một sáng kiến mới được đưa ra vào tháng 7/2018, UNDP hợp tác với chính quyền địa phương nhằm soạn thảo một luật mới nhằm đảo ngược suy thoái môi trường, đảm bảo phân phối công bằng nguồn lực và trách nhiệm xã hội.
U Khin Maung Win, thành viên của Nghị viện thuộc bang Shan cho biết: “Những gì chúng tôi đang thiếu là một luật bảo tồn đầu nguồn để giải quyết các thách thức hiện hữu theo phương cách hòa hợp”.
U Kyaw Kyaw Oo, chuyên gia đã dành nhiều năm nghiên cứu về động lực dòng chảy và trầm tích trong lưu vực cho rằng cuộc sống của hồ phụ thuộc vào cách các cộng đồng xung quanh quản lý hệ thống nước tự nhiên.
“Nếu chúng ta để các dòng suối chảy trực tiếp xuống hồ sẽ gây ra bồi lắng. Đây là một trong nhiều đập điều tiết chúng tôi đã xây dựng để ngăn chặn bồi lắng”.
Các con đập cũng bổ sung nước ngầm và cung cấp nguồn nước đáng tin cậy cho nông dân trồng lúa.
Tất cả điều này là tin tốt cho Ko Than Htoo. Mặc dù ngành du lịch gần đây rơi vào cảnh suy thoái, ông vẫn lạc quan rằng nghề chèo thuyền của mình sẽ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
“Mặc dù bây giờ hồ Inle chỉ vừa đủ nuôi sống tôi, tôi vẫn thấy hy vọng về tương lai. Sẽ có nhiều khách du lịch đến và công việc sẽ thuận lợi”.
Nhật Anh (Theo Medium)