BVR&MT – Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum đã tập trung mọi phương tiện, dụng cụ, nhân lực để phòng chống cháy rừng trong những tháng đỉnh điểm của mùa khô hanh Tây Nguyên.
Các tỉnh vùng Tây Nguyên đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Hầu hết các địa phương, đơn vị chủ rừng đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2017 và tổ chức thực hiện tốt phương án theo phê duyệt, nhất là chú trọng khả năng huy động các lực lượng, phương tiện tại chỗ để tham gia chữa cháy rừng.
Tháng 3, tháng 4 cũng là thời điểm đốt nương làm rẫy của đồng bào các dân tộc, các lực lượng chức năng đã phân công cán bộ về từng địa bàn có các vùng rừng trọng điểm dễ cháy hướng dẫn đồng bào kỹ thuật đốt nương rẫy theo đúng quy trình kỹ thuật để không cháy lây lan vào rừng.
Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng đã củng cố, xây dựng hàng nghìn tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, tổ chức ký cam kết với hàng chục nghìn gia đình sinh sống gần rừng thực hiện tốt quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Tỉnh Gia Lai, ngoài việc củng cố hơn 500 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, còn tổ chức ký cam kêt với 26.950 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số ở các làng gần rừng để bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Ngành Kiểm lâm của các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tổ chức trực 24/24 giờ theo dõi sát diễn biến thời tiết để cảnh báo kịp thời về nguy cơ cháy rừng cho các địa phương, chủ rừng, đồng thời, tăng cường thêm lực lượng kiểm lâm về các địa bàn có rừng trọng điểm dễ cháy giúp các chủ rừng, cán bộ thôn, buôn, bon, làng, xã triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống cháy rừng và tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc cùng với các chủ rừng, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc phòng chống cháy rừng.
Ngành Kiểm lâm các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa hàng nghìn chòi canh lửa, biển báo, đường ranh cản lửa, mua sắm thêm nhiều phương tiện, dụng cụ, máy bơm nước… phục vụ tốt yêu cầu phòng chống cháy rừng trên địa bàn.
Các lực lượng chức năng như kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy chữa cháy trên địa bàn cũng đã tổ chức tập huấn, diễn tập để khi sự cố cháy rừng xảy ra thực hiện chống cháy rừng có hiệu quả.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích rừng tự nhiên trên 2,2 triệu ha và trên 313.000 ha rừng trồng, trong đó, tỉnh Đắk Lắk có trên 475.900 ha rừng tự nhiên, trên 31.580 ha rừng trồng, tỉnh Gia Lai có trên 555.700 ha rừng tự nhiên và trên 71.290 ha rừng trồng…