BVR&MT – Đại dương sâu thẳm, với độ sâu trung bình khoảng 4.267m, là nơi ánh sáng không thể chạm tới. Thế nhưng, 3/4 động vật biển lại có thể tự phát sáng để thích nghi với môi trường sống thiếu ánh sáng này, theo một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Scientific Reports hồi đầu tháng.
Theo đó, khả năng này không chỉ tồn tại ở một vài loài cá sống dưới đáy biển như cá quỷ angerfish mà còn ở các loài sứa, giun, mực…
Hầu hết các sinh vật có khả năng phát quang sinh học thường phát ra loại ánh sáng rất nhẹ, đến mức nhiều loại máy ảnh không thể phát hiện ra. Điều này lý giải vì sao các nhà nghiên cứu trước đây không coi chúng là các sinh vật phát sáng. Thế nhưng, đối với những sinh vật biển sống trong bóng tối thì chỉ một chút ánh sáng là đủ – quá nhiều ánh sáng có thể sẽ thu hút sự chú ý không mong muốn từ những kẻ săn mồi. Rất nhiều sinh vật phát quang sinh học chỉ phát sáng trong giây lát rồi vụt tắt để tránh thu hút kẻ thù.
TS. Séverine Martini tại Viện nghiên cứu Thủy sinh Vịnh Monterey (MBARI) cùng các cộng sự đã tiến hành cuộc khảo sát định lượng một cách hệ thống đầu tiên về các sinh vật phát quang sinh học trong Vịnh Monterey (California). Đáy biển tại đây đã sụt lún thành các hẻm vực ngầm, nhờ vậy, các nhà nghiên cứu có cơ hội khám phá ở nhiều độ sâu khác nhau. Bằng các thiết bị điều khiển từ xa và 240 lần lặn xuống các hẻm núi, họ đã ghi lại hình ảnh tất cả các động vật có kích thước lớn hơn 1cm có thể nhìn thấy trong khoảng giữa mặt nước biển và độ sâu 4.000m.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã so sánh các loài quan sát được với danh sách các sinh vật phát quang sinh học đã được biết đến trước đó. Kết quả cho thấy, có tới 40% các loài động vật sống tại độ sâu 2.000m đã được phân loại “không xác định”, có nghĩa là không đủ dữ liệu về khả năng phát sáng của chúng bởi vì chúng sống ở độ sâu quá ít người biết đến.
Mặc dù vẫn còn nhiều bí ẩn về các loài sống sâu nhất dưới đáy đại dương, các nhà nghiên cứu đã phát hiện khoảng 75% các loài động vật ở các tầng của đại dương chắc chắn có khả năng hoặc có thể có khả năng phát quang.
Ở lớp bề mặt, các sinh vật phát quang sinh học lớn nhất bao gồm sứa biển và siphonophores (một loại sinh vật giống sứa cư trú nhiều ở vùng biển thuộc Bồ Đào Nha). Có tới 99% các loài trong hai nhóm này có thể tự phát sáng. Ở độ sâu từ 1.500m đến 2.250m, ánh sáng trong đại dương phần lớn phát ra từ loài giun biển. Loài sâu biển Larvaceans góp một nửa số lượng sinh vật phát quang sinh học dưới độ sâu 2.250m.
Kết quả nghiên cứu này có thể ứng dụng để đưa ra một phương pháp mới giúp ước tính số lượng các loài động vật ở đáy biển sâu. Nếu có thể tính toán được lượng phát quang sinh học tại một độ sâu nhất định và tỉ lệ các loài động vật phát sáng tại độ sâu đó, các nhà khoa học có thể ước tính trên lý thuyết tổng số các loài động vật sống ở đó. Đây cũng sẽ là kế hoạch nghiên cứu tiếp theo của TS. Martini và các cộng sự.
Công Anh (Theo LiveScience)