BVR&MT – Hai phụ nữ trẻ đến phi trường Heathrow ở Anh vào tháng 2/2014 và mang theo hành lý không cần thiết tới Düsseldorf. Các nhân viên hải quan nghi ngờ nên đã kiểm tra và phát hiện 13 cá thể cự đà bị nhét vào tất. Đáng kinh ngạc, 12 cá thể trong số này là loài Cyclura Rileyi cực kỳ nguy cấp đã may mắn sống sót sau hành trình xuyên Đại Tây Dương.
“Trong tự nhiên chỉ còn khoảng 600 cá thể thuộc loài này, ở Bahamas, và chúng đang bị đưa đến cho một nhà sưu tập tư nhân nào đó ở Đức. Thật đáng kinh ngạc, chúng tôi có thể trả 12 cá thể còn sống về lại quê hương chúng – trên đảo San Salvador”, Grant Miller, lúc đó đang làm việc cho Border Force, nói.
Vụ việc vẫn là một trong những nỗ lực buôn bán động vật hoang dã kỳ lạ nhất trong những năm gần đây và cho thấy mức độ các cá nhân bất chấp vi phạm pháp luật để có được động vật nguy cấp cho bộ sưu tập riêng, hoặc mua các bộ phận cơ thể để làm thuốc hoặc ăn uống. Buôn bán trái phép động vật hoang dã hiện là hình thức buôn lậu có lợi nhuận cao thứ tư trên thế giới, sau ma túy, vũ khí và buôn người.
Và hình thức buôn bán này đang gia tăng mạnh mẽ từ việc buôn lậu sinh vật quý hiếm như cá thể sa giông Trung Quốc nguy cấp gần đây được tìm thấy bên trong một hộp ngũ cốc đưa vào Vương quốc Anh cho tới buôn lậu hơn nửa triệu cá thể tê tê từ châu Phi và châu Á trong ba năm qua để lấy thịt và vảy. Hiện 2/8 loài tê tê thế giới được xếp loại cực kỳ nguy cấp và người ta hết sức lo ngại về số lượng những loài còn lại.
Ngoài tê tê, các động vật nguy cấp bị buôn bán khác gồm voi, tê giác, cá chình châu Âu và cá ngựa. Các nhà bảo tồn cho rằng việc tìm cách ngăn chặn sự mất mát trên diện rộng các sinh vật này đang trở nên tuyệt vọng.
Theo Tom Letessier, thuộc Hiệp hội Động vật học Luân Đôn (ZSL), một trong những hình thức buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đáng lo ngại nhất là giết hại cá mập trên quy mô lớn, đặc biệt là cá mập sọc trắng và cá mập cáo ở Ấn Độ Dương.
“Vây của chúng bị cắt đứt còn những cơ thể cá mập bị ném trở lại biển cho tự chìm. Vây của chúng sau đó trở thành món ăn cho các bữa tiệc dành cho người giàu ở Đông Nam Á”.
Hệ quả là cá mập cáo hiện được coi là có nguy cơ tuyệt chủng trong khi gần đây cá mập sọc trắng bị xếp hạng “sắp bị đe dọa”. Nhưng chúng ta làm được gì?
Một ý tưởng là sử dụng công nghệ, chẳng hạn như máy bay không người lái theo các con tàu để quay phim các thủy thủ đoàn giết mổ cá mập. “Sự phát triển của các thiết bị ngày càng chính xác như radar có khẩu độ tổng hợp dùng cho các vệ tinh, cho phép nhà chức trách giám sát việc đánh bắt cá bất hợp pháp theo thực tế từ trên cao”.
“Tuy nhiên, một điều khá rõ ràng là chúng ta phải tính tới các yếu tố xã hội khi tìm hiểu lý do tại sao người ta buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Nguồn cá người dân địa phương phụ thuộc vào có thể cạn kiệt nên ngư dân phải chuyển nghề”.
Quan điểm này được nhà sinh học hải dương Fran Cabada thuộc ZSL ủng hộ: “Ngư dân trên khắp thế giới có mối quan hệ rất mật thiết với biển. Nếu bạn cố gắng tìm cho họ một công việc khác, chẳng hạn trong nhà máy, họ sẽ không muốn nhận. Họ thích những công việc trên biển, ngay cả khi công việc đó là bất hợp pháp. Vì vậy, một lần nữa, chúng ta phải tính tới các yếu tố kinh tế – xã hội khi hiểu và giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, cả trên biển và trên đất liền”.
Ngoài ra, Cabada cho rằng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thường được liên kết với tội phạm có tổ chức nên có thể đơn giản là người dân địa phương bị bắt buộc phải tham gia.
Miller, hiện đang làm việc cho ZSL, cũng đồng ý: “Tội phạm có tổ chức luôn tìm kiếm cơ hội nhắm vào một loài cụ thể. Chúng ta sẽ thấy rằng trong vài tháng tới ở Anh là thời điểm khởi đầu của mùa đánh bắt cá chình châu Âu. Tội phạm có tổ chức sẽ tìm nguồn hàng rồi đưa khỏi châu Âu tới các thị trường sản xuất thành sản phẩm và sau đó bán vòng quanh thế giới – không phải dưới cái mác cá chình châu Âu nguy cấp mà là dưới mác cá chình Nhật hay Mỹ. Dù rằng các kỹ thuật kiểm tra gen gần đây đã được phát triển, cho phép chúng ta nhanh chóng kết luận rằng cá chình cập cảng không đúng với thông tin được khai báo, tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn còn dai dẳng”.
Nhật Anh (Theo Guardian)