BVR&MT – Quần thể tê giác Java toàn cầu cực kỳ nguy cấp đã tăng lên 72 sau khi 4 cá thể non mới được phát hiện trong vài tháng qua.
Các chuyên gia tê giác rất vui mừng trước tin quần thể tê giác Java (Rhinoceros sondaicus) gia tăng trong tình cảnh loài này ở bờ vực tuyệt chủng do nạn săn trộm và mất sinh cảnh. Quần thể duy nhất còn lại bị khoanh vùng trong một sinh cảnh bấp bênh duy nhất ở Vườn quốc gia Ujung Kulon trên mũi phía tây của đảo Java.
Cuối tháng 4 năm nay, con số ước tính tê giác Java giảm xuống còn 68 sau cái chết của một cá thể vị thành niên vì bị thương nặng. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát bằng bẫy ảnh trên khắp vườn quốc gia đã tìm thấy 4 cá thể non mới.
“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy những ca sinh nở mới diễn ra ở Ujung Kulon. Số lượng giác Java vượt qua mức 70 cá thể tê là một cột mốc quan trọng”, CeCe Sieffert, quyền Giám đốc điều hành International Rhino Foundation (IRF) nói trong một tuyên bố.
Bộ Môi trường Indonesia cho biết những cá thể mới do những cá thể cái khác nhau sinh ra và tất cả đều được phát hiện trong ranh giới Vườn quốc gia.
“Vườn quốc gia của Ujung Kulon được coi là an toàn trước các mối đe dọa tới khu vực nên động vật hoang dã ở đó có thể sinh sản. Ngoài ra, khu vực này còn có các chương trình để duy trì sinh cảnh, chẳng hạn như dọn sạch các loài thực vật xâm lấn phá vỡ sự phát triển của thảm thực vật mà tê giác ăn”, Indra Miningitasia, Giám đốc Cục đa dạng sinh học của Bộ, chia sẻ.
Một thập kỷ trước, quần thể tê giác Java tại Vườn quốc gia ước đạt không quá 50 cá thể, sống trong một khu bảo tồn vỏn vẹn 787 km2. Những nỗ lực của chính phủ Indonesia và các tổ chức từ khắp nơi trên thế giới trong nhiều năm đã cho kết quả là sự gia tăng ổn định số lượng tê giác.
IRF cho biết đã không có nạn săn trộm ở vườn quốc gia trong hơn 20 năm và kể từ năm 2012, ít nhất mỗi năm lại có một cá thể con được sinh ra. Một đội tuần tra biển mới hiện đang được huấn luyện và dự kiến sẽ bắt đầu theo dõi đường bờ biển của vườn quốc gia vào tháng 1/2020.
“Đây là một minh chứng cho cam kết của chính phủ và vườn quốc gia đối với việc bảo vệ tê giác Java và sinh cảnh của chúng”, Sieffert khẳng định.
Nhật Anh (Theo Mongabay)