Khởi sắc nông thôn mới vùng cao Hát Lừu

BVR&MT – Hát Lừu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện Trạm Tấu nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hát Lừu là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Sau gần 9 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt xã vùng cao đặc biệt khó khăn ngày được khởi sắc. Đời sống người dân nơi đây từng bước cải thiện, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, đường giao thông nông thôn bê tông hóa.

Chú thích ảnh
Hệ thống đường giao thông nông thôn xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, đã được bê tông hóa. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN

 

Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, sự cố gắng, nỗ lực không ngừng khắc phục mọi khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hát Lừu trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Đến nay, sau gần 9 năm xây dựng, Hát Lừu tự hào là xã vùng cao đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện Trạm Tấu nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết, toàn xã có trên 800 hộ gia đình với hơn 3.800 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm 99,6%, còn lại là dân tộc Kinh, Mường, Tày. Thời điểm bắt tay xây dựng nông thôn mới (năm 2011) xã Hát Lừu gặp không ít khó khăn. Đó là, một số cán bộ, đảng viên và người dân chưa có nhận thức đầy đủ về việc xây dựng nông thôn mới, còn lúng túng trong chỉ đạo, tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng; tỷ lệ hộ nghèo còn cao gần 80%, đời sống kinh tế, thu nhập của nhân dân chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất, thu nhập bình quân khoảng 15 triệu/người/năm. Thậm chí khi có mô hình mới thì việc áp dụng, nhân rộng còn chậm; hệ thống cơ sở hạ tầng (đường giao thông, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa thôn) chưa có… Vì vậy, việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế.

Đứng trước những khó khăn đó, Đảng ủy, chính quyền xã Hát Lừu đã tập trung chỉ đạo ban hành nghị quyết, chương trình hành động xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phân công, gắn trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã trực tiếp phụ trách các thôn bản để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Những ngôi nhà khang trang tại xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN

 

Với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã không quản ngại nắng mưa xuống cơ sở, tổ chức giao ban hàng tuần, hàng tháng tại các thôn, bản để nắm bắt nguyện vọng, thắc mắc của người dân và kịp thời giải quyết những khúc mắc đó.

Cùng đó, cụ thể hóa các chủ trương thành đề án, chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung huy động sức dân trong đóng góp ngày công lao động, hiến đất… để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh (xây dựng đường giao thông, trường học, nhà văn hóa thôn, bản).

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã cũng đã phát động các phong trào thi đua: tuổi trẻ Hát Lừu chung tay xây dựng nông thôn mới; phụ nữ Hát Lừu chung sức xây dựng nông thôn mới… Từ những phong trào trên, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, chính quyền xã còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất. Với tổng diện tích hơn 200 ha ruộng, trước đây bà con Hát Lừu chỉ cấy 1 vụ, năng suất tháp nhưng nay được sự chỉ đạo, định hướng của xã người dân đã cấy 2 vụ/năm với nhiều giống lúa cho năng suất, chất lượng cao như: DS1, nếp 87, 305 và đưa vào canh tác 20 ha lúa tẻ đỏ với năng suất đạt 45 tạ/ha. Đặc biệt, hiện nay người dân xã Hát Lừu đang dần hình thành, phát triển du lịch cộng đồng (homestay) và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Chú thích ảnh
Gia đình bà Lường Thị Châm, thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, phát triển mô hình chăn nuôi gà đen. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN

 

Bà Lường Thị Châm, thôn Lừu 2, xã Hát Lừu chia sẻ, gia đình bà làm du lịch cộng đồng đã được gần 2 tháng, thu hút được hơn 200 lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh, nhờ đó mang lại thu nhập 12 triệu đồng cho gia đình. Theo bà Châm, làm du lịch cộng đồng vừa đem lại lợi nhuận vừa được giới thiệu những nét văn hóa ẩm thực, trang phục độc đáo của đồng bào dân tộc Thái đến với du khách.

Cũng như gia đình bà Châm, gia đình ông Lò Văn Huấn, thôn Lừu 1, xã Hát Lừu cũng chuyển hướng sang làm du lịch cộng đồng. Ông Huấn cho biết, với mức đầu tư không lớn mà chỉ hơn 2 tháng gia đình đã thu được gần 10 triệu đồng, bình quân mỗi người 80.000 đồng/người/đêm; so với trồng lúa trước đây thì làm du lịch vừa không vất vả mà thu nhập cũng ổn hơn.

Nhờ xây dựng nông thôn mới, diện mạo xã vùng cao Hát Lừu thay đổi rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 80% năm 2011 xuống còn 10% năm 2019; thu nhập bình quân của người dân tăng từ 15 triệu đồng (2011) lên 33,2 triệu đồng/người/năm (2019); đường giao thông nông thôn được bê tông hóa hơn 18 km. Cùng với đó, xã cũng hình thành được 2 hợp tác xã và một mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với 11 tổ hợp tác tham gia…

Có thể thấy xã vùng cao Hát Lừu hoàn thành 19/19 tiêu chí là thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cố gắng xây dựng trong suốt thời gian qua. Những thành quả này, sẽ là cú hích để địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo hướng bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu-Trần Ngọc Luận cho biết, Trạm Tấu là một huyện vùng cao nằm trong 56 huyện nghèo khó khăn của cả nước. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện đã xây dựng nghị quyết chuyên đề và chọn Hát Lừu là xã đầu tiên xây dựng nông thôn mới của huyện.

Sau gần 9 năm xây dựng nông thôn mới, xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và được huyện thẩm định. Hiện huyện đang cố gắng hoàn thiện hồ sơ trình lên UBND tỉnh Yên Bái công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019. Đây là cơ sở, động lực, tiền đề để huyện tiếp tục xây dựng nông thôn mới tại những xã khác và huyện hiện không còn xã nào dưới 5 tiêu chí.

Xã Hát Lừu chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, vì vậy, phong tục tập quán có nhiều nét đặc trưng, dễ thu hút được khách du lịch tới thăm quan và trải nghiệm. Từ đó, huyện đã và đang hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, đến nay đã ra mắt được 2 mô hình điểm tại xã Hát Lừu và tiếp tục xây dựng 8 mô hình tại các thôn trong xã. Bước đầu đã thu hút được du khách trong và ngoài tỉnh, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục củng cố, vững chắc các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí liên quan đến sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân. Tiến tới phấn đầu xây dựng xã Hát Lừu là xã nông thôn mới nâng cao và lấy Hát Lừu làm trung tâm lan tỏa và rút kinh nghiệm để huyện xây dựng nông thôn mới tại các xã khác và thôn khác trong huyện. Phấn đấu đến năm 2022 sẽ có 2 thôn được công nhận và năm 2024 thêm 2 thôn nữa công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.