BVR&MT – Cheo cheo lưng bạc (hươu chuột) là loài thú móng guốc đặc hữu của Việt Nam, chưa nơi nào khác ngoài Việt Nam có công bố ghi nhận sự hiện diện của loài này ở ngoài tự nhiên.
Thông tin về việc phát hiện loài Cheo cheo lưng bạc nghi tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện sau gần 30 năm ở Việt Nam được các nhà khoa học và bảo tồn trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với thạc sỹ Trần Văn Bằng, thành viên nhóm nghiên cứu, Phó trưởng phòng Động vật, Viện Sinh thái học Miền Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về sự kiện này.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
– Loài Cheo cheo lưng bạc (hay Cheo cheo Việt Nam) cho rằng bị tuyệt chủng do không nhìn thấy trong gần 30 năm, nay đã lọt vào ống kính camera ở một khu rừng tại Việt Nam. Vậy quá trình để có những hình ảnh này đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
Thạc sỹ Trần Văn Bằng: Để có thể có được những hình ảnh tự nhiên của loài Cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã bỏ rất nhiều công sức và nỗ lực để phỏng vấn, lắng nghe và tiếp thu thông tin từ người dân địa phương tại nhiều vùng rừng núi của Việt Nam.
Cụ thể, sau khi phỏng vấn người dân và Kiểm lâm ở thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), trong 5 tháng qua, nhóm nghiên cứu đã lắp 29 chiếc camera tại các khu vực mà người dân địa phương cho biết đã nhìn thấy Cheo cheo lưng bạc, có 1.881 bức ảnh động vật đã được chụp lại.
Từ đó, mới xác định được một khu vực hứa hẹn cho việc tìm thấy loài này ngoài tự nhiên. Nhóm nghiên cứu cũng đã đặt bẫy ảnh tại khu vực hứa hẹn và hơn 3 tháng sau mới quay lại lấy dữ liệu hình ảnh được chụp từ bẫy ảnh.
Bên cạnh đó, để có thể xác minh hình ảnh thu thập được là của loài Cheo cheo lưng bạc, nhóm nghiên cứu cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia về thú móng guốc trên thế giới và mới chắc chắn hình ảnh đó là của loài Cheo cheo lưng bạc.
– Thạc sỹ có thể giới thiệu về đặc điểm riêng biệt của loài động vật quý hiếm này?
Thạc sỹ Trần Văn Bằng: Các nhà khoa học của Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Toàn cầu (GWC) đã liệt loài vật nhỏ giống con nai, có kích thước của con thỏ này vào danh sách “25 loài vật có nguy cơ biến mất.”
Nguyên nhân là sự biến mất của một số loài động vật hoang dã không chỉ do môi trường sống bị phá hủy mà còn do con người trực tiếp gây ra; hoạt động săn bẫy thú cũng làm cho số lượng động vật hoang dã bị giảm nhanh chóng..
Cheo cheo lưng bạc được ghi chép đầu tiên vào năm 1910 bắt nguồn từ 4 mẫu vật thu thập được quanh khu vực Nha Trang. Đến năm 1990, một thợ săn ở miền Trung Việt Nam đã sắn bắt được nó.
Cheo cheo lưng bạc là một trong 2 loài Cheo cheo ở Việt Nam, bên cạnh là loài Cheo cheo Nam Dương (có tên khoa học là Tragulus kanchil) và là một trong 6 loài Cheo cheo trên Thế giới.
Các loài Cheo cheo là những loài thú móng guốc nhỏ nhất, có hình dáng như một con nai nhưng kích thước thì không lớn hơn một con thỏ trưởng thành.
Loài vật này nhút nhát và cô độc, có hai chiếc răng nanh nhỏ và thường nặng dưới 4,5 kg. Mặt nó nhìn giống con chuột.
Dựa vào nhiều tài liệu trên thế giới, Cheo cheo lưng bạc là loài thú móng guốc đặc hữu của Việt Nam, chưa nơi nào khác ngoài Việt Nam có công bố ghi nhận sự hiện diện của loài này ở ngoài tự nhiên. Vì vậy, có thể nói đây là một loài thú đặc biệt quý hiếm không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới.
– Sự xuất hiện trở lại của loài sinh vật quý hiếm này đã tạo nên sự thích thú trong công luận, dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu môi trường, ông lý giải như thế nào về hiện tượng này?
Thạc sỹ Trần Văn Bằng: Môi trường Việt Nam đã bị ảnh hưởng nhiều trong những năm tháng chiến tranh và sự phát triển nhanh của nền kinh tế. Trong khi đó, sự quan tâm về thiên nhiên và môi trường mới chỉ được cộng đồng thể hiện trong vài năm qua nhờ sự phát triển của các mạng xã hội và công nghệ thông tin.
Trong nhiều năm qua, nhiều loài động vật ở Việt Nam đã suy giảm và biến mất như loài Tê giác ở Cát Tiên, loài Sao La ở miền Trung Việt Nam thì đang ở bờ vực tuyệt chủng.
Do đó, việc tìm thấy một loài sinh vật bị coi đã biến mất trong nhiều thập kỷ qua là một phần tạo ra hy vọng rằng thiên nhiên Việt Nam vẫn còn những loài như vậy, mặt khác cho thấy khả năng tìm thấy thêm những loài đã biến mất trong quá khứ. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai những nỗ lực tìm kiếm và bảo tồn báu vật của thiên nhiên Việt Nam sẽ có được những thành quả tốt đẹp.
– Để bảo tồn loài động vật quý hiếm này, Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền và thực thi pháp luật như thế nào?
Thạc sỹ Trần Văn Bằng: Bảo vệ động vật hoang dã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, môi trường sống trong lành, mang giá trị kinh tế, phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện phát triển ngành y học.
Mặc dù nhóm nghiên cứu đã tái phát hiện loài Cheo cheo lưng bạc nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi đằng sau đó cần trả lời để có thể bảo vệ được loài này không bị biến mất một lần nữa như chúng có còn ở những khu rừng khác của Việt Nam? Chúng sinh sống trong sinh cảnh rừng như thế nào? Thức ăn của chúng là gì ? Chúng đang đối mặt với những nguy hiểm nào từ tự nhiên và con người?…
Để trả lời những câu hỏi đó, trước hết đòi hỏi sự nỗ lực và tích cực tham gia từ nhiều nguồn, nhiều bộ, ban, ngành liên quan. Tiếp theo là nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn kinh phí để đánh giá cụ thể hơn nữa về quần thể của loài Cheo cheo lưng bạc trong thiên nhiên Việt Nam, qua đó đưa ra được bức tranh toàn cảnh về hiện trạng của loài này.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những nguy cơ đe dọa lên sự tồn tại của loài động vật quý hiếm này như săn bắt, buôn bán, tiêu thụ; đồng thời đánh giá và tìm mọi biện pháp giảm thiểu những nguy cơ đó.
Trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương là tăng cường kiểm soát, quản lý và chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ loài Cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam, cũng như nhiều loài động thực vật khác của Việt Nam và trên thế giới.
– Xin cám ơn ông.