Trung tâm cảnh báo sóng thần Biển Đông đi vào hoạt động

BVR&MT – Với việc tiếp cận dữ liệu trong thời gian thực từ hơn 600 trạm giám sát động đất, Trung tâm này có khả năng đưa ra dự báo về thông số cơ bản của một trận động đất trong vòng 3-5 phút.

Ảnh minh họa.


Ngày 5/11, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Biển Đông đã bắt đầu đi vào hoạt động đầy đủ, cung cấp dịch vụ cho 9 nước.

Trung tâm này do Trung tâm Dự báo môi trường biển quốc gia Trung Quốc điều phối, cung cấp các dịch vụ giám sát và cảnh báo sóng thần 24/24 cho 9 nước gồm Trung Quốc, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Trong một thông điệp bằng video cùng ngày, ông Vladimir Ryabinin, Thư ký điều hành Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), nhấn mạnh trung tâm này là nhân tố mới, sẽ tăng cường chương trình cảnh báo tổng thể của IOC.

Với tư cách là một sáng kiến khu vực, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Biển Đông sẽ là sự bổ sung mới nhất cho hệ thống cảnh báo và giảm nhẹ sóng thần tại khu vực Thái Bình Dương của IOC.

Với việc tiếp cận dữ liệu trong thời gian thực từ hơn 600 trạm giám sát động đất, trong đó có 530 trạm ở nhiều nước, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Biển Đông có khả năng đưa ra dự báo về thông số cơ bản của một trận động đất trong vòng 3-5 phút bất kể trận động đất đó xảy ra tại đâu.

Bên cạnh đó, trung tâm này còn sử dụng dữ liệu của một hệ thống thiết bị đo thủy triều, bao gồm 106 trạm đo mực nước tại Trung Quốc và hơn 800 trạm trên toàn thế giới, qua đó đưa ra cảnh báo sớm về sóng thần trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhờ hệ thống cử lý thông tin sóng thần thông minh, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Biển Đông có khả năng đưa ra cảnh báo sóng thần chỉ trong 10 phút sau khi xảy ra một trận động đất.