BVR&MT – Cuối tháng 10, sau khi có những thông tin về một loại thủy sản ngoại lai (cá dọn bể) mới xuất hiện đang gây hại cho nông dân ở nhiều huyện của tỉnh Bắc Giang, chúng tôi đã về gặp các hộ nuôi trồng, khai thác thủy sản ở làng Hạ, thuộc xã Cao Thượng (huyện Tân Yên) để tìm hiểu thông tin.
Tác hại khôn lường
Ðang tiết thu mát mẻ, hằng ngày ông Dương Văn Cần, thôn Hạ Trong lại chèo chiếc thuyền nhỏ đi dọc con ngòi thu rọ cua, nhấc bát quái kiếm tôm, cá. Với hơn một mẫu ao, mỗi năm thu hoạch hai lần cũng đem lại cho gia đình ông thu nhập vài chục triệu đồng. Ngày đi hai lần thu và thả rọ được hơn 1 kg cua, thời giá ban đầu từ 50 nghìn đồng/kg rồi tăng đến 100 nghìn đồng/kg, chưa kể tôm, cá lặt vặt cũng tăng thêm thu nhập. Nhưng đó là chuyện của những năm trước, hơn một năm nay vẫn con ngòi này mà đánh rọ, thả lưới bát quái thì chỉ bắt được nhiều cá đầu to da nhám đen sì và rất nhiều vây, ngạnh. Người dân thường gọi đó là cá dọn bể. Không rõ từ đâu nhưng hơn một năm nay trên con ngòi này toàn cá dọn bể. Chúng phá phách khiến các loại cá khác dạt đi hết. Nhiều và khỏe như cá rô phi cũng chẳng còn…
Ngọc Thiện cũng là một trong những xã có diện tích ao hồ lớn nhất huyện Tân Yên, người dân ở đây giỏi nghề nuôi cá. Một số gia đình có ao nuôi cá dù đã cẩn thận trong việc chọn lựa giống không để lẫn tạp, lại thường xuyên kiểm tra bờ nhưng không hiểu sao khi thu hoạch vẫn có một số cá dọn bể lọt vào, có những con xấp xỉ 1 kg. Một hộ dân ở đây cho biết: “Mấy năm nay cá dọn bể nhiều lắm, giờ mỗi buổi đi thu rọ, bát quái thường được từ 4 – 5 kg cá này. Hôm nào mưa thì được hơn chục cân. Ác nỗi loại cá này không có bao nhiêu thịt cho nên ngư dân bắt về để ủ ngâm lấy phân bón cây.
Gia đình ông Ngô Minh Khánh ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có mấy mẫu hồ thả cá, dù đã tuyển chọn giống rất kỹ, be bờ, đắp vùng cẩn thận nhưng không hiểu sao đợt thu hoạch cá cuối năm 2018 của gia đình ông lại xuất hiện tới vài chục ki-lô-gam cá dọn bể.
Cá dọn bể hay còn gọi cá lau kính, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Chúng là loài ăn tạp, thích nghi rộng, cơ thể nhiều xương, vây rất sắc nhọn và cứng như đinh. Ở môi trường tự nhiên, chúng không chỉ tranh cướp thức ăn mà còn có thể hút nhớt (chất nhầy) trên mình của các loài cá khác. Khi người dân thả lưới, cá vướng vào khiến ngư dân mất nhiều thời gian để gỡ, thậm chí phải xé lưới. Nhiều quãng sông chạy qua hai huyện Tân Yên, Hiệp Hòa vốn nhiều tôm, cá, hiện giờ cứ ít dần…
Cần khẩn trương xử lý triệt để
Chúng tôi đem những bức xúc của người dân tới gặp chính quyền địa phương và cơ quan quản lý ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang thì nhận được những phản ứng rất khác nhau. Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Dương Ngô Mạnh và lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đều tỏ ra rất ngạc nhiên vì chưa từng nghe thấy thông tin này. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Cao Thượng Hoàng Văn Chiến cho biết là có chuyện này. Xã Cao Thượng có khoảng 7.500 hộ dân thì khoảng 60 hộ chuyên nuôi trồng thủy sản và sinh sống bằng nghề chài lưới. Các hộ này tập trung ở làng Hạ được quy hoạch thành làng thủy sản. Rìa làng nơi tiếp giáp với xã Việt Lập là con ngòi tiêu nước khá rộng và sâu cho nên nhiều tôm, cua, cá. Diện tích ao hồ nuôi trồng nhiều, có những hộ nuôi mỗi năm thu hoạch khoảng 10 tấn thủy sản. Tuy nhiên, khoảng ba, bốn tháng nay, không hiểu từ đâu các ao đìa nuôi tôm, cá ở thôn Trong Hạ và Ngoài Hạ (xã Cao Thượng) xuất hiện rất nhiều loại cá dọn bể. Không chỉ vậy, trên khúc sông cuối đoạn giáp xã Việt Lập, các ngư dân cũng đánh bắt được loại cá này ngày một nhiều.
Chưa có nghiên cứu chính thức về những tác hại của cá dọn bể nhưng năm nay lượng tôm, cá tự nhiên trên các ao, hồ ở đây giảm hẳn, không loại trừ nguyên nhân xuất phát từ giống thủy sản ngoại lai này. UBND xã đã có báo cáo lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện từ hơn tháng nay nhưng không hiểu sao chưa có hồi âm, hướng dẫn cho nên xã cũng chưa biết xử lý như thế nào…
Trong những năm gần đây, nông nghiệp nước ta từng đối mặt nhiều hậu quả lớn từ một số sinh vật ngoại lai gây ra như rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, mới đây là tôm hùm đất. Giờ đây, loại cá dọn bể lại tạo ra những mối lo ngại không kém cho môi trường. Thiết nghĩ chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng tại các huyện Tân Yên, Hiệp Hòa (Bắc Giang) nhanh chóng có giải pháp để ngăn chặn giải quyết triệt để loài thủy sản ngoại lai này trên địa bàn, trước khi để bùng phát và gây ra những hậu quả khó kiểm soát trong môi trường tự nhiên.