BVR&MT – Sở NN&PTNT Hà Nội vừa tiến hành rà soát kết quả hoạt động an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ đầu mối nông sản và kinh doanh nông sản tại chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2019.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2 chợ đầu mối nông sản. Trong đó: Chợ đầu mối Phía Nam tại Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai do Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam khai thác, quản lý chợ và chợ đầu mối Minh Khai, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm do Chi nhánh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông thôn Hà Nội khai thác và quản lý.
Căn cứ quy định của ngành, Sở NN&PTNT đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc công tác quản lý ATTP tại các chợ đầu mối, đấu giá nông sản trên địa bàn thành phố. Đồng thời, giao Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo ATTP tại các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, hàng năm, các đơn vị chuyên ngành thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho các hộ kinh doanh trong chợ; Tổ chức ký cam kết 100% các hộ kinh doanh cố định tại chợ, tăng cường thanh kiểm tra, lấy mẫu giám sát các sản phẩm nông sản kinh doanh tại chợ. Tổ chức lấy mẫu giám sát ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm nông sản tươi sống và thực phẩm chế biến tại chợ.
Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã thí điểm ghi chép sổ sách truy xuất nguồn gốc nông sản kinh doanh tại chợ theo nguyên tắc đảm bảo truy xuất được một bước trước và một bước sau quy định của Bộ NN&PTNT; đồng thời, triển khai điều tra, khảo sát nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản 500 hộ kinh doanh tại 2 chợ đầu mối nông sản để làm cơ sở thực hiện thí điểm thiết lập module quản lý truy xuất nguồn gốc cho ban quản lý của 2 chợ đầu mối trên “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm TP Hà Nội”.
Đối với công tác quản lý hoạt động ATTP nông sản tại các chợ, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 454 chợ, trong đó 197 chợ thành thị, 257 chợ nông thôn. Ngày 20/10 vừa qua, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, thống kê có 14.028 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản trong các chợ. Trong đó, có 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản do thành phố quản lý, 3.237 hộ sản xuất kinh doanh nông sản do cấp huyện, cấp xã quản lý, 10.789 cơ sở không có đăng ký kinh doanh, nhỏ lẻ. Hiện nay, 14.043 người chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh của 14.028 cơ sở trong chợ đã được tổ chức xác nhận kiến thức về ATTP theo quy định; 13.334 cơ sở đã thực hiện ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn…
Thạch Thảo (tổng hợp)