BVR&MT – Tháng 10 âm lịch, mùa “chim trời cá nước” đã vào cuối độ nhưng không khí mua bán các loài hoang dã ở một số chợ vùng biên thuộc An Giang, Đồng Tháp, Long An… vẫn đặc biệt sôi động, nhất là những khu vực kề cận biên giới Campuchia. Cơ man các loại rùa, rắn, chim… được bày bán dọc đường quốc lộ hoặc trong các khu chợ lớn, khi công khai, khi lén lút, lén lút vì trong mớ hỗn độn các loài được bày bán có không ít loài quý hiếm bị cấm săn bắt, vận chuyển, tàng trữ và buôn bán trái phép.
Tại các khu chợ, Trung tâm thương mại giáp biên giới với Campuchia nhiều loại động vật như rùa, rắn cũng được rao bán. “Rùa ở đây bán với giá 530.000đ/kg, nếu lấy nhiều chỉ cần đặt là có hàng” – một người dân sinh sống ở vùng đầu nguồn An Phú nói. Nhưng đây chỉ là một hoạt động buôn bán nhỏ lẻ mở đầu cho câu chuyện tận diệt “chim trời, cá nước” mà nhóm phóng viên sắp chứng kiến. Trong khi lực lượng chức năng chưa có biện pháp xử lý răn đe cũng như chưa quyết liệt khi thực thi nhiệm vụ.
Theo lời một số dân buôn chuyên nghiệp thì Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp và Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An được coi là “vựa” động vật hoang dã, nhất là vào mùa nước nổi. Động vật hoang dã ở đây một phần được chuyển từ Campuchia về, một phần đánh bắt chủ yếu quanh Tràm Chim và Láng Sen.
Dọc tuyến đường biên giới giáp với Campuchia thuộc khu vực Cầu Muống, xã Thượng Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, không ít tấm biển lớn được dựng lên với lời cảnh báo về việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm nhưng trên chính cung đường này lại xuất hiện khá nhiều xe máy chở động vật hoang dã đựng trong những bao tải. Theo phản ánh của người dân địa phương, những chiếc xe này này thường chở thuốc lá, bánh kẹo hoặc động vật hoang dã, khi đến khu vực Cầu Sở Thượng, thị xã Hồng Ngự, các xe sẽ rẽ vào những ngõ nhỏ để tập kết hàng và phân chia đến các điểm tiêu thụ.
Tận mục tại Cầu Sở Thượng, gần Trung tâm văn hóa Thị xã Hồng Ngự, nhóm phóng viên chứng kiến một nhóm gồm cả nam lẫn nữ ngang nhiên bày bán rùa và một số loài chim, cò, thậm chí, chủ hàng sẵn sàng làm thịt tại trận nếu khách yêu cầu. Trong số này có cả những cá thể Rùa ba gờ thuộc Nhóm IIB (loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) bị treo lủng lẳng ven đường.
Theo quy định tại Điều 234 Bộ Luật Hình sự, hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB có thể bị xử phạt tiền tối đa 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân) và 6 tỷ đồng (đối với pháp nhân), phạt tù lên đến 12 năm tù, tùy vào quy mô, số lượng và tính chất hoạt động. Đáng chú ý là hoạt động này diễn ra ngay cạnh tấm biển ghi “… Tuyến đường có gắn camera an ninh”.
Đi tiếp chừng 01 km, tại khu vực chợ cá – thịt Hồng Ngự, nhóm cũng phát hiện 7 cá thể Rùa ba gờ bị nhốt trong tủ kính, xung quanh là những bao tải, lồng sắt nhốt hàng ngàn cá thể rắn, chim, chuột.
Từ thị xã Hồng Ngự, nhóm tiếp tục di chuyển qua khu vực gần Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen, ven đường thi thoảng lại bắt gặp những người dân địa phương bẫy chim về bán, khi được hỏi, họ đều cho biết chim được săn từ Tràm Chim và Láng Sen.
Có mặt tại chợ thực phẩm Tam Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, khu chợ cách trụ sở Vườn quốc gia Tràm Chim chỉ vài kilômet và cách Khu bảo tồn Láng Sen không xa, có rất nhiều loại chim, cò, gà nước quý cũng được bày bán. Ghé một cửa hàng chuyên bán rùa, bà chủ hàng đon đả: “Các cô chú ghi lại số điện thoại để khi nào có nhu cầu thì liên hệ, mua với số lượng lớn cũng có, rùa ở đây là rùa tự nhiên lấy từ Vườn quốc gia Tràm Chim cả”.
Rời Tam Nông, nhóm thị sát thêm khu vực chợ cá Cao Lãnh nằm ở trung tâm thành phố Cao Lãnh và chợ Mỹ Thọ hay còn gọi là chợ Ông Bầu, cả hai khu vực này đều công khai bán rất nhiều rùa, ba ba, rắn và chim. Một chủ hàng tại đây cho hay “ở đây đang mùa nước nổi, tuy cuối mùa nhưng rùa, rắn, ba ba nhiều lắm, các chú mua nhiều tôi để giá rẻ cho, rùa tự nhiên cả đấy”… nhưng “các chú chụp không được đăng lên mạng nhé, kiểm lâm bắt đấy”.
Sau một hồi ghi nhận các điểm “nóng”, nhóm phóng viên đã tập hợp đầy đủ tư liệu và địa chỉ các cửa hàng buôn bán động vật hoang dã trái phép gửi tới lực lượng kiểm lâm sở tại, nhưng thông tin từ lực lượng này cho hay họ không phát hiện thấy vi phạm gì cả (?!).
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên