Hà Nội: Lấy 8.422 mẫu nông sản giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm

BVR&MT – Sở NN&PTNT Hà Nội vừa tiến hành rà soát công tác lấy mẫu kiểm tra, hậu kiểm, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2017 đến tháng 9/2019 trên địa bàn thành phố.

Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lấy mẫu giám sát chất lượng, ATTP các sản phẩm nông sản. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao, như: Rau, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm thủy sản. Cụ thể, từ năm 2017 đến tháng 9/2019, đã tiến hành lấy 8.422 mẫu, phát hiện 488 mẫu vi phạm, chiếm tỷ lệ 5,8%.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, trong quá trình lấy mẫu giám sát, kết quả phân tích đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT phát hiện một số hoạt chất nhưng chưa có quy định tương ứng đối với loại rau phân tích hay dư lượng Leucomalachite Green, Malachite Green, Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Enrosulfan trên mẫu thịt, thủy sản nhưng chưa có mức giới hạn cho phép trong thực phẩm nên ảnh hưởng đến công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đối với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu xác định nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn khắc phục tại các cơ sở có mẫu vi phạm.

Tính đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện tiếp nhận 2.288 bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn thuộc ngành Nông nghiệp quản lý. Việc tổ chức hậu kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm tự công bố đang được các đơn vị của Sở xây dựng kế hoạch hậu kiểm và kết hợp thông qua việc kiểm tra, lấy mẫu giám sát và việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất và xử lý các mẫu vi phạm theo quy định.

Trong công tác kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm, hằng năm, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đã chủ động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, chuyên ngành, liên ngành, đột xuất về chất lượng, ATTP. Kết quả thu được cho thấy: Tổng số cơ sở đã thanh tra, kiểm tra từ năm 2017 đến tháng 9/2019 là 60.451 lượt cơ sở, phát hiện 6.249 cơ sở không đạt yêu cầu, chiếm 10,3%. Qua đó, xử lý vi phạm và kiến nghị xử phạt với số tiền gần 10 tỷ đồng, buộc phải tiêu hủy hơn 60 tấn sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, còn nhắc nhở, phạt cảnh cáo và yêu cầu khắc phục đối với một số cơ sở vi phạm.

Ngoài ra, khi nhận được các thông tin, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc từ đường dây nóng về ATTP, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã chủ động chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra xác minh thông tin, lấy mẫu phân tích chất lượng, ATTP, xử lý vi phạm theo quy định, đồng thời, thông tin cho người tiêu dùng biết…

Thạch Thảo (tổng hợp)