BVR&MT – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Hội nghị trên được tổ chức vào cuối tháng 10/2019 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị và tổ chức tốt Hội nghị; dự thảo phát biểu khai mạc, phát biểu kết luận hội nghị của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 26/10/2019.
Mô hình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đang được triển khai và có những kết quả tích cực.
Được biết, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án tổng thể đối với 40 địa phương, đơn vị và 256 công ty nông, lâm nghiệp (bao gồm cả 8 công ty thuộc Bộ Quốc phòng, 4 công ty của tổ chức chính trị – xã hội) theo 6 mô hình sắp xếp.
Các công ty đã hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới là 160 công ty, đạt 62,5%. Trong đó, mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có 19 công ty, đạt 90,48%; mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích có 59 công ty, đạt 98,33%; công ty cổ phần có 49 công ty, đạt 48,04%; công ty TNHH hai thành viên có 15 công ty, đạt 38,46%; chuyển thành Ban quản lý rừng 5 công ty, đạt 100%; giải thể 13 công ty, đạt 46,43%.
Các công ty đang thực hiện, dự kiến hoàn thành sắp xếp trong năm 2019 chuyển sang hoạt động theo quy định pháp luật theo mô hình mới là 69 công ty, bằng 29,95% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đến 30/6/2019, cả nước còn 27 công ty chưa thực hiện hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp là khả thi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả ban đầu quan trọng tạo sự chuyển biến mới về quản lý các công ty nông, lâm nghiệp theo cơ chế thị trường. Nhiều địa phương, doanh nghiệp thực hiện đạt kết quả tốt như: Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Kiên Giang, Quảng Nam, Kon Tum, Long An, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị xây dựng phương án tổng thể chưa rà soát toàn diện, nên sau khi phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục đề nghị điều chỉnh mô hình sắp xếp làm chậm tiến độ như: Quảng Ninh, Nghệ An, Cà Mau, Hà Nội, Tổng công ty Cà phê Việt Nam.
Việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, đặc biệt là đối với sắp xếp theo mô hình thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bình Thuận, Bắc Giang, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và giải thể như: Yên Bái, Quảng Ngãi, Tổng công ty Cà phê Việt Nam…