BVR&MT – Đề xuất xây dựng hai đề án liên quan đến địa chất Đồng bằng sông Cửu Long là nội dung chính của cuộc họp báo cáo nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực địa chất khoáng sản vào sáng 21/10, tại Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.
Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Tân Văn nhấn mạnh: Các nghiên cứu, điều tra hiện nay đều khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang xảy ra hiện tượng lún nền đất và có xu thế tăng theo thời gian. Đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa có bất kỳ hệ thống mốc quan trắc lún hoàn chỉnh gồm nhiều mốc được lắp đặt ở các độ sâu khác nhau. Ngoài ra, nhiều thách thức, nhiều dạng thiên tai, tai biến địa chất đã và đang xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xây đập thủy điện, khai thác tài nguyên nước và các hoạt động phát triển kinh tế khác ở thượng nguồn đã làm thay đổi suy giảm dòng chảy, giảm lượng phù sa, gia tăng xâm nhập mặn…
Do đó, định hướng chiến lược các giải pháp toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng “thuận thiên”… Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về các đặc điểm điều kiện tự nhiên; hiện trạng xu hướng thiên tai, tai biến địa chất, biến đổi khí hậu…. đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ tổng thể.
Theo ông Trần Tân Văn, việc xây dựng hai đề án “Điều tra tổng thể lún mặt đất Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đề xuất các giải pháp thích ứng” và “Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng vận hành mạng lưới quan trắc lún nền đất thích hợp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long” mang tính cấp thiết. Việc xây dựng hai đề án nhằm thiết lập và vận hành mạng lưới quan trắc lún nền đất thích hợp với đặc điểm địa chất Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình cũng như các giải pháp điều chỉnh, thay thế hướng đến “thuận thiên” cân bằng với các giới hạn tự nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, hai đề án được đưa ra đúng thời điểm và phù hợp đưa vào danh mục nhiệm vụ chuyên môn. Tuy nhiên, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cần nghiên cứu phương pháp thực hiện cho phù hợp, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Khoa học Tài nguyên nước, các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… để thực hiện nhiệm vụ. Hai đề án xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2020.
Dự kiến được phê duyệt, hai đề án sẽ thực hiện từ năm 2020 – 2025 với việc thu thập, xử lý các tài liệu địa chất Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng bản đồ cấu trúc nền đất; hệ thống hóa dữ liệu mô phỏng trên mô hình số 3D nền đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long; điều tra xói lở bờ sông, bờ biển; điều tra động thái và khai thác nước dưới đất, điều tra khai thác cát sạn sông, biển…