BVR&MT – Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm hoặc tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp riêng cho từng xã, phường… đang là những cách làm mới, hiệu quả được tuổi trẻ nhiều địa phương áp dụng trong công tác xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Từ nguồn lực du lịch cộng đồng
Vốn có niềm đam mê mãnh liệt với ngành du lịch, từ khi còn ngồi ghế nhà trường tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Hoàng Thị Hảo thường tận dụng những ngày nghỉ hè hiếm hoi để về quê ở Hà Giang, dẫn khách nước ngoài tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn.
Năm 2017, cô gái người Tày, Hoàng Thị Hảo quyết tâm khởi nghiệp bằng các loại hình du lịch chưa từng xuất hiện ở tỉnh vùng núi Hà Giang. Bắt đầu bằng một quán ăn chay, Hảo tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng mô hình homestay còn rất mới mẻ tại đây.
Làm được một thời gian, cô gái sinh năm 1987 tiếp tục kết hợp du lịch với trải nghiệm, trồng rau hữu cơ và nông sản. Mô hình tưởng chừng rất đỗi lạ lùng ấy nhanh chóng thu hút số lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Đến nay, Hoàng Thị Hảo đã trở thành cái tên quen thuộc trong lĩnh vực du lịch ở Hà Giang, với khu vườn rau hữu cơ rộng hàng héc-ta cùng chuỗi homestay – nhà hàng thực phẩm sạch.
Hoàng Thị Hảo là một trong những thanh niên ưu tú, đã vươn lên làm giàu chính đáng tại một tỉnh vốn còn nghèo ở vùng núi phía bắc đất nước. Những năm qua, để góp phần xây dựng nông thôn mới, các cấp bộ Đoàn Thanh niên tỉnh Hà Giang đã đưa nhiều nét mới vào công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và nhân dân phát triển du lịch cộng đồng.
Cụ thể, bên cạnh hệ thống cơ quan báo chí, đài phát thanh – truyền hình tỉnh, website Tỉnh đoàn, tuổi trẻ Hà Giang đã mạnh dạn triển khai nhiều chương trình tuyên truyền ngay tại các khu vực chợ phiên trên toàn địa bàn tỉnh. Qua đây, đồng bào dân tộc tại địa phương đã nắm được ý nghĩa của việc giữ gìn, phát huy bản sắc, văn hóa thông qua các mô hình du lịch mới, trong đó có homestay.
Đoàn Thanh niên các địa phương ở Hà Giang còn tập trung phối hợp Hội Phụ nữ trong xây dựng cảnh quan, môi trường, thu hút khách du lịch; kết nối doanh nghiệp trong quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực; hướng dẫn người dân phát triển chuỗi thực phẩm an toàn gắn với du lịch trải nghiệm…
“Đến nay, tỉnh Hà Giang đã có tám đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, với 256 cơ sở lưu trú du lịch với không ít chủ đầu tư là thanh niên. Thời gian tới, Tỉnh đoàn Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch thông qua liên kết với các công ty lữ hành uy tín”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Hà Giang, Đào Quang Diệu cho biết.
Mỗi xã một sản phẩm
Với nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền, Quảng Ninh có điều kiện rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp truyền thống, chất lượng cao và mang thương hiệu riêng. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Có những xã còn chưa bảo hộ được thương hiệu, thường xuyên bị xâm phạm quyền sở hữu, gây mất niềm tin của người tiêu dùng.
Do đó, những năm qua, vấn đề nâng cấp năng lực sản xuất, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp chất lượng cao và thương hiệu nông sản Quảng Ninh đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), nhanh chóng được Tỉnh đoàn Quảng Ninh hưởng ứng, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hiệu quả.
Tỉnh đoàn Quảng Ninh đã ban hành Hướng dẫn số 11-HD/TĐTN-PT, hệ thống hóa công tác hỗ trợ OCOP cho nông dân, đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp… qua sáu bước cụ thể: tuyên truyền sự cần thiết, nguyên tắc, chu trình và các hỗ trợ của Nhà nước đối với OCOP; hướng dẫn đăng ký, nhận ý tưởng sản phẩm; nhận kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá và phân hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại.
Nhờ đó, sau sáu năm triển khai, OCOP tại Quảng Ninh đã gặt hái nhiều thành tựu đáng mừng. Nhiều thanh niên từng bước khẳng định được thương hiệu, như: đông trùng hạ thảo của Phó Bí thư Đoàn Trường cao đẳng Y tế Quảng Ninh, Vũ Ngọc Thành; gà Tiên Yên ở cơ sở sản xuất của Bí thư Đoàn xã Hà Lâu, Lã Văn Vi; trứng vịt biển Đầm Hà của Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Tân Hải, Phó Bí thư đoàn xã Tân Bình, Hoàng Văn Tuấn…
Đến nay, Quảng Ninh đã có 167 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có tám sản phẩm đạt cấp năm sao, 62 sản phẩm đạt bốn sao và 126 sản phẩm đạt ba sao. 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, giúp truy xuất nguồn gốc dễ dàng.
Đồng chí Lê Hùng Sơn, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh nhấn mạnh: “Thành công của các cấp bộ Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh dựa trên việc tập trung huy động nguồn lực, xây dựng các câu lạc bộ, mô hình thanh niên làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các cán bộ Đoàn phải tuyệt đối tránh rập khuôn, máy móc, thật sự trở thành cầu nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, thanh niên trong xây dựng và phát triển sản phẩm”.