BVR&MT – Đồng bằng sông Cửu Long sụt lún khoảng 2-3cm và mực nước biển dâng ít nhất 0,5cm, trong khi khu vực này hiện chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 0,8m.
Ngày 8/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với Đoàn công tác Trường Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Harvard (Mỹ) về tình hình biến đổi khí hậu và chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của thành phố.
Giáo sư David O. Dapice, Chuyên gia kinh tế cao cấp Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard (Mỹ) – Trưởng đoàn công tác, cho biết theo công bố gần đây của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Utrecht (Hà Lan), tình trạng mực nước biển dâng và xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức báo động.
Hằng năm, Đồng bằng sông Cửu Long sụt lún khoảng 2-3cm và mực nước biển dâng ít nhất 0,5cm, trong khi khu vực này hiện chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 0,8m.
Trong vòng 50 năm tới, hơn 12 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ diễn biến này nếu không có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard (Mỹ) tổ chức phối hợp với Đại học Fulbright Việt Nam tiến hành đánh giá thực tế tác động tiềm tàng của diễn biến nước biển dâng và xâm nhập mặn đến vấn đề an sinh xã hội và phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm chuẩn bị cho chương trình “Thảo luận chính sách” tổ chức vào đầu tháng 11 tới tại bang Massachusetts (Mỹ).
Đây là chương trình thảo luận thường niên giữa Đại học Harvard (Mỹ) với đoàn lãnh đạo cấp cao của chính phủ Việt Nam nhằm đưa ra các lựa chọn giải pháp, chính sách để khắc phục những thách thức mà Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt. Năm nay, chủ đề thảo luận là vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường.
Trao đổi với Đoàn công tác về tình hình biến đổi khí hậu hiện nay tại Cần Thơ cũng như những chính sách ứng phó của chính quyền thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng chia sẻ Cần Thơ có mạng lưới sông rạch chằng chịt, được bao gọn bởi sông Hậu, sông Cần Thơ và kênh Cái Sắn, nên những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như triều cường tăng, khô hạn, xâm nhập mặn… đều có tác động trực tiếp đến thành phố.
Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là tình hình triều cường ở khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy và quận Cái Răng, vì hiện nay hệ thống thoát nước ở những khu vực này đã cũ và xuống cấp nhiều, thậm chí nhiều tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tương xứng.
Ngoài ra, một số tuyến đường có thiết kế trước đây chỉ có khoảng từ 1,7-1,8m, sau này mới nâng lên cao đến 2,5-2,7m nhưng vẫn bị ngập do không nâng kịp với tốc độ gia tăng của triều cường.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, năm 2004, đỉnh triều cường tại Cần Thơ là 1,93m, năm 2010 là 1,94m, đến năm 2018 lên 2,23m và năm 2019 là 2,25m; tốc độ gia tăng của triều cường ngày càng phức tạp.
Để ứng phó với tình trạng trên, hiện nay Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đang thực hiện dự án tăng cường thích ứng đô thị do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ với nguồn vốn 7.000 tỷ đồng giai đoạn 2016-2021 nhằm thoát nước chống ngập căn cơ, giảm thiểu ngập lụt, bảo vệ 2.675ha đất nông nghiệp và thổ cư với 423.000 người dân sinh sống, đầu tư các kè cặp sông Cần Thơ và Ô Môn…
Về vấn đề xâm nhập mặn, thành phố đang tiến hành mở rộng mạng lưới cung cấp và phân phối nước nhằm vươn tới cả khu vực đô thị mới phát triển lẫn khu vực vùng sâu, vùng xa còn thiếu nước sạch; hỗ trợ chính quyền địa phương trong lựa chọn các chiến dịch phân phối nước tổng thể ngắn hạn và trung hạn; nâng cấp hoạt động và tăng việc duy trì hệ thống nước thải…
Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ trồng trọt, sản xuất, sinh hoạt, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cũng đang hỗ trợ Cần Thơ thiết kế hệ thống quan trắc dự báo sớm tình hình hạn, mặn cho nhân dân biết để chủ động triển khai các giải pháp trữ nước ngọt phục vụ sản xuất; đồng thời hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân để chuyển diện tích đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước canh tác sang trồng các loại cây khác ít tiêu thụ nước.
Giáo sư David O. Dapice đánh giá cao những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu mà thành phố Cần Thơ đang thực hiện, đồng thời cho biết sẽ tổng hợp những thông tin này làm cơ sở thực hiện các nghiên cứu khuyến nghị chính sách ứng phó biến đổi khí hậu cấp vùng để trao đổi với Chính phủ Việt Nam tại chương trình thảo luận tới.
Ông Dapice cũng lưu ý các cơ quan về môi trường của Cần Thơ cần xác định nước mưa là nguồn bổ sung thích hợp trong điều kiện nguồn tài nguyên nước suy giảm về chất và lượng dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Do đó, Cần Thơ nên tập trung các nguồn lực xây dựng được một hệ thống quản lý nguồn nước mang tính liên kết, cho phép nhiều bên tham gia hợp tác trong việc quản lý nguồn nước và các quy định về ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, môi trường.
Thành phố Cần Thơ với vị thế là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên trở thành địa phương đi đầu thí điểm mô hình này, từ đó nhân rộng ra toàn khu vực Tây Nam Bộ.