BVR&MT – Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình liên tục, phát triển bền vững, không chạy theo thành tích, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Sáng 4/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Đồng chí Vương Đình Huệ đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; đại diện các bộ, ngành Trung ương, Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương những thành tích trong chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua, đóng góp quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Để tiếp tục góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình liên tục, phát triển bền vững, không chạy theo thành tích, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tập trung xây dựng nông thôn mới thôn bản.
Tỉnh cần quán triệt quan điểm “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm là then chốt; người nông dân là chủ thể”, tập trung nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông thôn, rà soát lại quy hoạch, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển, kết nối với đô thị.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh Thái Nguyên cần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo, Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp, bộ máy giúp việc phải chuyên trách, chuyên nghiệp, ưu tiên nguồn lực cho nông thôn mới, phát triển công nghiệp để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; nhanh chóng phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống, thế mạnh của địa phương theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, không những phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới; ưu tiên bố trí nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ATK, căn cứ cách mạng…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 91 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 88 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 61,5%; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đến hết năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 101 xã (chiếm 70% số xã nông thôn); bình quân các xã nông thôn đạt 16,5 tiêu chí nông thôn mới /xã, tăng 11,65 tiêu chí so với năm 2010; không còn xã có dưới 6 tiêu chí nông thôn mới… Hiện 100% các xã đều có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện. Hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng đều được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, đặc biệt là các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã nâng cấp và làm mới được 420 km kênh mương thủy lợi do xã quản lý; xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 406 trạm điện, hơn 1.300 km đường điện, hoàn thành mục tiêu xóa xóm, bản chưa được đầu tư về điện lưới quốc gia. Bằng nhiều giải pháp huy động nguồn lực, Thái Nguyên đã xóa được hơn 2.200 nhà tạm, dột nát, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 8,4%; hàng năm, tạo việc làm tăng thêm cho trên 15.000 người…
Các huyện, thành, thị trong tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gắn với xây dựng và phát triển các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh huy động các nguồn vốn đạt trên 21.300 tỷ đồng…
Tuy vậy, quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế như: nông thôn phát triển chưa đồng đều khi hiện còn 5 xã đạt dưới 10 tiêu chí, chất lượng một vài tiêu chí ở một số xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa cao. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 130 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 20 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 6 đơn vị cấp huyện trở lên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 2%/năm trở lên…
Cũng nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tặng cờ thi đua cho 4 tập thể, tặng bằng khen cho 95 tập thể, 57 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.