“Đổi giấy lấy cây” – Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

BVR&MT – Ngày 28 – 29/9 vừa qua, tại Đại học Dược Hà Nội, chương trình “Đổi giấy lấy cây” của nhóm Green Life tổ chức đã thu hút được đông đảo mọi lứa tuổi tham gia.

Chương trình thu hút đông đảo mọi lứa tuổi tham gia.

“Đổi giấy lấy cây” là một chương trình được thành lập bởi các bạn học sinh, sinh viên Hà Nội gọi là nhóm Green Life từ tháng 12/2018 với 30 thành viên chính thức. Hàng tháng sẽ tổ chức đổi giấy, các loại rác tái chế như nhựa, lon, vỏ hộp sữa,… để lấy cây hoặc một số sản phẩm xanh. Sau 9 tháng hoạt động, chương trình đã thu lại kết quả không ngờ. Mỗi tháng tổ chức thu về từ 5 – 8 tấn giấy;  2-5 tạ pin, đồ điện tử; 2-5 tạ vỏ hộp sữa. Trung bình mỗi lần diễn ra có khoảng 1000 – 3000 nghìn người tham gia. Đặc biệt, tại chương trình tổ chức ở FPT Duy Tân,  BTC đã vô cùng bất ngờ khi thu về tới 10 – 15 tấn giấy, gấp đôi so với những lần trước.

Với thông điệp : “Rác đã phân loại cũng là tài nguyên”, Green Life muốn mọi người nhận thức được rằng rác cũng có giá trị và nó hoàn toàn tái sử dụng được nếu chúng ta biết cách phân loại.

Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh -Thành viên ban đối ngoại của Green Life chia sẻ : “Hiện tại mọi người chưa nhận thấy được vai trò cũng như giá trị của rác. Rác hoàn toàn có thể tái chế nếu mọi người biết phân loại riêng. Hà Nội mỗi ngày thải ra hơn 6000 tấn rác, thế nhưng đều không được phân loại, các chương trình phân loại rác cũng chưa có hiệu quả. Khi thấy vấn đề môi trường ngày càng nhức nhối và những hạn chế còn tộn tại đã thôi thúc chúng tôi tổ chức chương trình này đều đặn mỗi tháng. Là những học sinh, sinh viên chúng ta nên hành động, cần có ý thức đi đầu cho công tác bảo vệ môi trường”.

Rác thải phận loại sẽ được đổi lấy cây xanh.

Xuất phát với ý nghĩa lớn nhằm bảo vệ môi trường sống, chương trình đã thu hút đông đảo mọi lứa tuổi tham gia từ trẻ em, học sinh, sinh viên đến các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, một phụ huynh đã 3 lần cùng gia đình tham gia chương trình “Đổi giấy lấy cây” cho biết: “Đây là một chương trình thiết thực có ý nghĩa , không chỉ tái chế được các loại rác mà còn giáo dục được ý thức trách nhiệm của mọi người. Cùng các con tham gia, Tôi muốn cho các bé một không gian xanh, vừa chơi vừa học, giúp con nhận thức rõ về môi trường và cách để các con bảo vệ môi trường”.

Các em nhỏ tò mò với những thông điệp môi trường.

Sáng tạo và ý nghĩa trong cách xử lý, các loại sách hay truyện còn dùng được chương trình sẽ xây dựng tủ sách vùng cao hoặc chuyển đến cho các hội tình nguyện mang đến cho các trẻ em vùng khó khăn. Pin và các thiết bị điện tử sẽ được gửi về thùng thu gom của Việt Nam tái chế. Còn các loại vỏ sữa sẽ chuyển về tổng kho ở Trâu Qùy, đơn vị sẽ tiếp tục chuyển về nhà máy tái chế ở Bình Dương với sự hỗ trợ của công ty TetraPak. Các loại giấy, phế liệu không thể sử dụng sẽ được chuyển về nhà máy tái chế ở Bắc Ninh; nhựa, lon kim loại chuyển về nhà máy xử lý ở Hưng Yên. Hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, nhóm Green Life nhận được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, các trường học và mong muốn chương trình sẽ diễn ra mỗi tháng nhằm nâng cáo ý thức bảo vệ môi trường của con người.

Chương trình đã được thực hiện ở rất nhiều địa điểm và các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội. Các nhóm dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, để thành tựu đạt được không chỉ dừng lại ở những con số mà là tình yêu môi trường, ý thức bảo vệ hành tinh xanh sẽ được nhân lên thật nhiều.

Hà Linh