BVR&MT – Ngày 26/9, tại TP Đà Lạt, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối”.
Với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam”, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng và nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; tiềm năng thị trường nông nghiệp và cơ hội để doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển nông nghiệp thông minh. Đồng thời, chia sẻ các giải pháp ứng dụng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh; kinh nghiệm triển khai các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số cho nông nghiệp Việt Nam, dựa trên các giải pháp nền tảng để doanh nghiệp công nghệ phát triển, ứng dụng trong nông nghiệp; phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao và định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, để nông dân không đứng ngoài cuộc trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, Nhà nước cần có cú huých đồng bộ từ cơ chế, chính sách và nguồn lực cần thiết; nhà nông cần tự tin để ứng dụng hiệu quả thành tựu nông nghiệp 4.0; ưu tiên đầu tư công tác nghiên cứu và đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của nông nghiệp thông minh…
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, với các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, như IoT, AI, Bigdata… các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã và đang tiếp tục cho ra đời nhiều sản phẩm, ứng dụng, dịch vụ thương hiệu Việt thế hệ mới thông minh, có khả năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin, như giải pháp thông minh của BKAV, VNPT, Mobifone… (ti-vi, máy điều hòa, nồi cơm điện… có thể điều khiển từ xa qua internet); giao thông thông minh của Viettel, VNPT, Mobifone (đèn giao thông, đèn đường điều khiển tự động theo lưu lượng, mật độ giao thông) và nhiều giải pháp nền tảng IoT hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng, yêu cầu đặt ra với các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số cho nông nghiệp Việt Nam là phải phù hợp với các bài toán nông nghiệp trong nước, nhu cầu thực tế của nhà nông, áp dụng điều kiện canh tác, nuôi trồng từng vùng miền, đặc sản nông nghiệp Việt Nam… và người sử dụng trong nước phải làm chủ công nghệ. Doanh nghiệp công nghệ chính là người dẫn dắt quá trình chuyển đổi số, để tận dụng cơ hội phát triển mà công nghệ số đem lại và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, các cơ quan nhà nước cần ưu tiên đầu tư, mua sắm và ứng dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thương hiệu Việt; đây là giải pháp quan trọng tạo thị trường cho doanh nghiệp. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, khi mua sắm, Chính phủ hướng vào các sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt – “made in Việt Nam”, sẽ góp phần đáng kể, nhất là giai đoạn đầu, để nuôi dưỡng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển.