BVR&MT – Giới chuyên gia dự báo nhiệt độ Trái Đất có thể còn tăng thêm 6-7 độ C vào năm 2100 nếu các nước không cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn cầu ở nhiều phương diện và ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đến cuộc sống của người dân.
Những cơn cuồng nộ của thiên nhiên đang xuất hiện ngày càng nhiều với sức tàn phá ngày một lớn tại nhiều quốc gia và khu vực.
Chính vì vậy, chưa bao giờ chủ đề biến đổi khí hậu lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới như lúc này.
Hội nghị thượng đỉnh hành động vì khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra ngày 23/9 tại New York (Mỹ) trong bối cảnh hàng loạt chuyên gia trên thế giới lên tiếng báo động về những hậu quả mà biến đổi khí hậu đang gây ra trên hành tinh Xanh.
Khí thải toàn cầu đã lên tới mức kỷ lục 37 tỷ tấn vào năm ngoái và 5 năm qua là 5 năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại.
Giới chuyên gia dự báo nhiệt độ Trái Đất có thể còn tăng thêm 6-7 độ C vào năm 2100 nếu các nước không cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cháy rừng diễn ra liên miên và ngày càng khó kiểm soát, những cơn bão xảy ra thường xuyên hơn và ngày càng dữ dội hơn, đại dương đang bị axit hóa, nước biển dâng, các rạn san hô chết dần, sông băng đang tan chảy, tình trạng sa mạc hóa ngày càng lan rộng, hàng loạt thảm thực vật cổ ở phía Đông Nam Cực đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn… Đó là những minh chứng rõ ràng nhất cho những tác động chưa thể kể hết do biến đổi khí hậu gây ra.
Chính vì vậy, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ giúp cộng đồng quốc tế tìm ra giải pháp nhằm hối thúc các bên có trách nhiệm hơn nữa trong việc thực thi những cam kết đã nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng: “Thiên nhiên đang giận dữ… Nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi cách sống, chúng ta sẽ gây nguy hiểm cho chính cuộc sống của mình.”
Ông cũng chia sẻ những cảm xúc tột cùng của ông khi chứng kiến những người dân nhỏ bé phải gồng mình chống chọi với cơn cuồng nộ của thiên nhiên nơi đảo quốc Tuvalu, ở Mozambique hay tại Bahamas…
Tổng Thư ký Liên hợp quốc thừa nhận thế hệ của ông đã không bảo vệ được màu xanh của Trái Đất và “điều đó cần phải thay đổi ngay bây giờ và phải thay đổi bằng hành động chứ không phải bằng lời nói.”
Nhân loại đang thua trong những tình huống khẩn cấp về khí hậu, nhưng đây là cuộc đua mà con người hoàn toàn có thể chiến thắng.
Cuộc khủng hoảng khí hậu là do con người gây ra, vì vậy, các giải pháp cũng phải đến từ chính con người, cụ thể là những điều chỉnh trong cách thức con người đối xử với hành tinh Xanh.
Tại hội nghị, lãnh đạo và các đại diện của 77 nước, 100 doanh nghiệp và 12 tổ chức đầu tư quốc tế đã đưa ra các sáng kiến và cam kết hành động vì khí hậu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố tăng gấp đôi đóng góp từ 2 tỷ euro lên 4 tỷ euro (tương đương 4,4 tỷ USD) cho “Quỹ Khí hậu Xanh” của Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ các nước kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chile đề xuất thành lập “Liên minh Tham vọng khí hậu” nhằm tập hợp các nước có chung cam kết giảm mức phát thải carbon về 0% vào năm 2050. Liên minh các nước coi than đá là quá khứ cũng được mở rộng với sự tham gia của 30 quốc gia, 22 tiểu bang và 31 tập đoàn lớn.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các nước “phải hạn chế nhập khẩu các mặt hàng có thể làm ô nhiễm môi trường, trong khi cần tìm cách tăng ngân sách cho những dự án làm sạch môi trường,” đồng thời tăng ngân sách cho “Quỹ khí hậu Xanh” từ mức 7 tỷ USD lên 10 tỷ USD.
Ngay cả Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi của Nhật Bản – quốc gia vốn phụ thuộc vào than đá và đang dự kiến tăng công suất tại các nhà máy điện than – cũng cam kết bên lề hội nghị về việc “hiện thực hóa một xã hội không khí thải carbon” và “sẵn sàng đóng góp như các cường quốc khác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.”
Đó là những tín hiệu đáng mừng, song vẫn chưa đủ khi tại hội nghị thượng đỉnh lần này, những quốc gia có lượng khí phát thải lớn không có những động thái quyết liệt trong việc chống biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump – nhà lãnh đạo đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris 2015 – đã viện lý do họp khẩn về “thảm họa lũ lụt” ở thành phố Houston thuộc bang Texas để không tham dự hội nghị này.
Có thể nói, những động thái của Tổng thống Mỹ đã phủ bóng đen lên nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong khi người đứng đầu Nhà Trắng quay lưng với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nhiều bang của Mỹ đã thể hiện vai trò tích cực, mạnh mẽ tại hội nghị.
Thống đốc bang California cùng 6 thống đốc bang khác trong Liên minh khí hậu Mỹ đã khẳng định: “Ở cấp độ bang, chúng tôi tiếp tục giữ vững cam kết thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.”
Tập đoàn Amazon mới đây cũng đã công bố kế hoạch giảm lượng khí thải carbon xuống còn bằng 0 vào năm 2040, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris.
Các tiểu bang, thành phố và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các hành động quyết liệt hơn nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Cách đây gần 4 năm, cộng đồng quốc tế đã đạt được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, theo đó các nước nhất trí đặt mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất không quá 2 độ C và cố gắng ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, cho đến nay, mức cam kết của các quốc gia theo Hiệp định Paris 2015 không đủ để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 độ C.
Ngay cả khi tất cả các nước đáp ứng các mục tiêu mà họ tự đặt ra, Trái đất vẫn sẽ ấm lên từ 2,9 độ C đến 3,4 độ C và xu hướng này tiếp tục còn gia tăng.
Giới chuyên gia nhận định cần phải tăng gấp 3 lần các mục tiêu hiện tại mới có thể đạt được mục tiêu 2 độ C và tăng gấp 5 lần để đạt được mục tiêu 1,5 độ C.
Vì thế, để có được những bước tiến dài hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhân loại cần có sự quyết tâm, đồng lòng và sự lãnh đạo hiệu quả.
Hành tinh Xanh không cần những cam kết suông mà cần có những hành động thực sự. Mỗi hành động vì môi trường, dù nhỏ nhất, đều có ý nghĩa.