BVR&MT – Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp như phân loại rác tại nguồn, thu gom rác theo giờ, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, nhưng việc thu gom, xử lý rác thải tại Ðà Nẵng vẫn chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
Trong những năm gần đây, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của TP Ðà Nẵng ngày càng tăng nhanh. Trung bình mỗi ngày, khối lượng CTRSH được thu gom khoảng 1.100 tấn, tập trung ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà. Từ năm 2007 đến nay, đã có khoảng 3,2 triệu tấn rác được chôn lấp tại Khu xử lý chất thải Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo lượng CTRSH của thành phố đến năm 2025 là khoảng 1.800 tấn/ngày; đến năm 2030 là khoảng 2.400 tấn/ngày, và đến năm 2040 là khoảng 3.000 tấn/ngày.
CTRSH được thu gom chủ yếu qua bốn phương thức: thu gom bằng thùng rác đặt cố định trên đường phố; rác từ các hộ dân sống trong kiệt, hẻm và khu dân cư thì được thu gom bằng xe ba gác; thu gom trực tiếp từ xe tải nhỏ, xe cuốn ép. Hiện nay, thành phố có 5 trong số 11 trạm trung chuyển rác còn hoạt động, với công suất trung bình 72 tấn/ngày. Tuy nhiên, các trạm không đáp ứng được nhu cầu, khi trạm trung chuyển lớn nhất tại quận Hải Châu chỉ đạt 22 tấn/ngày, nhưng lượng rác thải tại quận Hải Châu có lúc đến 35 tấn/ngày.
Công ty cổ phần Môi trường đô thị Ðà Nẵng đã lập thêm 137 điểm tập kết nâng thùng. Các điểm tập kết rác hầu hết tận dụng vị trí tiện lợi, không có diện tích hay hạ tầng kỹ thuật, cùng với việc người dân đổ rác thải bừa bãi cho nên càng phát sinh mùi hôi, làm mất mỹ quan đô thị. Công ty Môi trường và UBND các quận, huyện đã làm pa-nô che chắn, bao quanh các điểm tập kết thùng rác; xây dựng lộ trình xe thu gom kịp thời lấy rác khi công nhân đưa rác ra. Tuy nhiên, vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết rác thải hiện nay chưa được giải quyết tốt.
Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Thành Nam chia sẻ, Sơn Trà là địa bàn có thế mạnh kinh tế là dịch vụ du lịch, thu hút lượng khách đông với hoạt động lễ hội, du lịch diễn ra quanh năm. Thế nhưng bảy phường của quận hiện không có bãi tập kết rác thải nào, dẫn đến phát sinh nhiều điểm tập kết rác tạm. Phường Nại Hiên Ðông, có hàng chục chung cư, nhà ở xã hội, nhưng trong quá trình xây dựng chung cư cũng không triển khai phương án xây dựng khu tập kết rác cho người dân. Rác của chung cư đều tập kết tại thùng rác để ở vỉa hè, gây nhiều bất cập về môi trường và cảnh quan đô thị.
Trong khi đó, thành phố chỉ có Khu xử lý chất thải Khánh Sơn để phục vụ xử lý rác thải đô thị, nguy hại, rác thải công nghiệp, y tế phát sinh với công nghệ xử lý duy nhất là chôn lấp. Với lượng rác thải phát sinh của thành phố có xu hướng tăng cao, các hộc rác chôn lấp ngày càng đầy. Công tác đầu tư xử lý, cải thiện môi trường ngay tại khu vực bãi rác chưa được chú trọng đã gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua, gây bức xúc cho người dân. Công ty cổ phần Môi trường đô thị Ðà Nẵng tính toán khoảng đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, nếu không thực hiện các giải pháp nâng cấp, cải tạo các ô rác thì Khánh Sơn sẽ không thể chứa thêm rác. Thành phố sẽ phải đối mặt vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, mỹ quan đô thị và hình ảnh thành phố.
Ngày 19/12/2018, HÐND thành phố Ðà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HÐND về việc quản lý CTRSH đến năm 2025, trong đó đề ra các mục tiêu như: các phường, xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh…, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; tất cả các khu dân cư, khu đô thị có điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH được quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; tỷ lệ CTRSH được tái chế, tái sử dụng đạt 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025…
Ðể giải quyết vấn đề rác thải trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ðà Nẵng Tô Hùng cho biết, TP Ðà Nẵng đã thống nhất nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, trong đó, một số hạng mục chính sẽ được xây dựng: một nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày đêm, một lò đốt rác y tế và một nhà máy xử lý phân bùn bể phốt. Ðối với nhà máy xử lý rác dự kiến sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, lựa chọn công nghệ từ châu Âu để vận hành. Dự án này sẽ được tổ chức đấu thầu công khai để chọn đơn vị đầu tư, xây dựng.
Việc nâng cấp bãi rác hay các mục tiêu của Nghị quyết cần một thời gian dài để triển khai. Trong khi đó, Ðà Nẵng vẫn đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận” rác thải.