BVR&MT – Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 8/2019, Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có 604/1.424 xã (chiếm tỷ lệ 42,41%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thấp hơn so với mức đạt chuẩn cả nước (cả nước có 4.522 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 50,8%).
Trong đó, Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có 378/825 xã (45,82%) đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến đến hết năm 2020 có khả năng đạt tỷ lệ 60% (hoàn thành mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao). Đến nay, đã có 4/8 tỉnh, thành phố đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao gồm (Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận).
Tây Nguyên có 226/599 xã (37,73%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến đến hết năm 2020 có khả năng đạt 43% (hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao). Đến nay, đã có 2/5 tỉnh vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 Thủ tướng Chính phủ giao (tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng).
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ bình quân đạt 15,21 tiêu chí/xã (tăng 10,21 tiêu chí so với năm 2010), thấp hơn so với bình quân chung của cả nước (15,26 tiêu chí/xã); Tây Nguyên bình quân đạt 13,72 tiêu chí/xã (tăng 10,22 tiêu chí so với năm 2010). Cả 2 vùng có 9 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Duyên hải Nam Trung Bộ 8; Tây Nguyên 1).
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ 2010-2019 của Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là khoảng 364.585 tỷ đồng (khoảng 17,23% so với cả nước). Ngân sách Nhà nước các cấp bố trí trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới của 2 vùng đạt khoảng 21 tỷ đồng/xã (trong 9 năm).
Thực hiện Chương trình nông thôn mới, trong những năm qua, các địa phương tập trung phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm ngành hàng.
Trong đó, Vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã chú trọng phát huy kinh tế biển, gồm du lịch biển và khai thác thủy hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sản lượng thủy hải sản khai thác ước đạt 887,5 nghìn tấn/năm (chiếm 29,23% cả nước); số lượng tàu khai thác thủy hải sản biển có công suất từ 90 CV trở lên: 11.673 chiếc (chiếm 40,65% cả nước). Đặc biệt, vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định là nơi cho khai thác nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, tôm hùm, hải sâm…
Còn các tỉnh Tây Nguyên chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng từ một số cây có giá trị thấp như điều, ngô, lúa… sang rau, hoa, cây bơ, sầu riêng, chanh leo, hồ tiêu, cà phê…; hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung (bơ, sầu riêng, hồ tiêu,… ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum; cà phê ở tất cả các tỉnh; rau, hoa ở Lâm Đồng; sâm Ngọc Linh ở Kon Tum…).
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 9 năm thực hiện Chương trình Nông thôn mới, hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn của 2 vùng được các địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, bước đầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân.
Tuy kết quả xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến tích cực nhưng còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền và thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Tiến độ xây dựng nông thôn mới của nhiều tỉnh có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk); riêng tỉnh Khánh Hòa là địa phương tự cân đối ngân sách, có tiềm lực lớn nhưng đến nay, kết quả xây dựng nông thôn mới còn rất hạn chế, chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn.