BVR&MT – Đức cho biết sẽ loại bỏ thuốc diệt cỏ chứa glyphosate vào cuối năm 2023 do hoạt chất này quét sạch quần thể côn trùng quan trọng cho các hệ sinh thái và việc thụ phấn của cây lương thực.
Hóa chất này bị một số chuyên gia nghi ngờ gây ung thư ở người, sẽ chính thức bị cấm vào cuối năm 2023 tại Đức khi thời hạn chấp thuận của EU chấm dứt.
Các nhà sinh học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về quần thể côn trùng giảm mạnh ảnh hưởng đến đa dạng loài và làm hỏng các hệ sinh thái do phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên và thụ phấn thực vật.
Bộ trưởng Môi trường Svenja Schulze, người đã cảnh báo về một tương lai khi trái cây có thể trở thành một thứ xa xỉ, nhấn mạnh: “Cái gì gây hại cho côn trùng thì cũng gây hại cho người. Những gì chúng ta cần là tiếng vo ve của côn trùng, một thế giới không có côn trùng không đáng để sống”.
Các nhóm trang trại và ngành công nghiệp hóa chất đã vận động để tiếp tục sử dụng glyphosate, được bán dưới nhãn hiệu thương mại Roundup do công ty con của hãng Monsanto sản xuất.
Hãng dược phẩm Bayer phản đối lệnh cấm đơn phương của Đức, cho rằng hóa chất này có thể được sử dụng một cách an toàn và là “một công cụ quan trọng để đảm bảo cả tính bền vững và năng suất cho nông nghiệp”.
Sau khi tiếp quản Monsanto vào năm ngoái, Bayer đã ngập trong làn sóng các vụ kiện rằng loại thuốc diệt cỏ hàng đầu này gây ung thư, và đã phải chi ra những khoản bồi thường lớn.
Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức phàn nàn rằng với việc các nhà chức trách EU do đánh giá lại việc sử dụng glyphosate vào năm 2022, Berlin đã “khởi động tiến trình chống đối với luật pháp châu Âu”.
Áo đã trở thành thành viên EU đầu tiên cấm sử dụng glyphosate vào tháng 7, Cộng hòa Séc, Ý và Hà Lan cũng ban hành lệnh hạn chế. Pháp đang có kế hoạch loại bỏ chất này vào năm 2023.
Trong giai đoạn đầu tiên, glyphosate sẽ bị cấm sử dụng tại các công viên thành phố và trong các khu vườn tư nhân từ năm tới.
Việc sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc diệt côn trùng cũng sẽ bị hạn chế hoặc bị cấm ở những khu vực có nhiều loài như ở đồng cỏ, và dọc theo nhiều dòng sông và hồ nước.
Các nhà vận động trên toàn thế giới đã nhấn mạnh những rủi ro của việc giảm số lượng côn trùng, lưu ý rằng chúng rất quan trọng đối với việc thụ phấn cho cây – bao gồm cả cây lương thực – và là nguồn thức ăn cho chim và các động vật khác.
Tháng Hai vừa qua, con số 1,75 triệu người ở bang Bavaria, thuộc miền nam thịnh vượng của nước Đức, bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để “cứu ong”, kêu gọi sử dụng ít hóa chất hơn, canh tác hữu cơ hơn và tạo nhiều không gian xanh, là một kỷ lục.
Nội các của Thủ tướng Angela Merkel cũng có kế hoạch dành một phần lớn hơn các khoản trợ cấp nông nghiệp nhận được từ EU để bảo vệ môi trường và khí hậu, nâng tỷ lệ này từ 4,5% lên 6% vào năm tới.
Nhật Anh (Theo AFP)