BVR&MT – Thiết kế thông minh chỉ với 1 chai nhựa rẻ tiền có thể thắp sáng cho 350 ngàn hộ gia đình có đèn không cần điện. Đây đang là dự án được nhiều ước trên thế giới áp dụng vừa tiết kiệm chi phí lại vừa giảm rác thải nhựa hữu dụng nhất.
Theo thống kê có khoảng 1,2 tỷ người trên thế giới không có điện để dùng. Họ là những người dân tị nạn, sống ở các khu ổ chuột. Với những người dân ở đấy điện là một thứ xa xỉ thế nên họ luôn phải sống trong bóng tối khổ sở. Bên cạnh đó, cứ mỗi giây lại có 20.000 chai nhựa được mua trên thế giới (Theo The Guardian – một nhật báo được phát hành hàng ngày ở Vương quốc Anh). Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 cũng chỉ ra rằng, đại dương đang nhận thêm khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm.
Từ thực tế, tổ chức phi lợi nhuận MyShelter Foundation tại Philippines đã thành lập một dự án mang tên “Liter of Light” (tạm dịch: “Lít ánh sáng”). Họ sẽ thu gom các chai nhựa cũ, sau đó dùng nước, chất tẩy trắng và tận dụng ánh sáng mặt trời để chiếu sáng bên trong nhà. Chẳng mấy chốc, ý tưởng sáng tạo này đã được rất nhiều người đón nhận.
Dự án “ Đánh cắp ánh sáng mặt trời”
Thành phần cần thiết để lắp ráp một chiếc đèn chai chạy bằng năng lượng mặt trời và làm nó hoạt động khá đơn giản. Đó là một chai nhựa rỗng, nước, sợi dây kẽm, chất tẩy trắng và ánh sáng mặt trời.
Hoạt động theo nguyên tắc khuc xạ ánh sáng trong vật lý. Khúc xạ là thuật ngữ thường dùng để chỉ hiện tượng ánh sáng đổi hướng khi đi qua mặt phân cách giữa hai môi trường trong suốt có chiết suất khác nhau (cụ thể ở đây là nước). Từ nguyên lý này, người ta đục một lỗ trên trần nhà, rồi đặt cố định chai nước vào vị trí đó (một nửa nằm ở khoảng không trong nhà, một nửa nằm ở trên mái như hình dưới) , sau đó sẽ cung cấp độ sáng bằng với bóng đèn 50 watt thông thường.
Ánh sáng mặt trời tỏa xuống không gian sống thông qua chai nước lắp đặt trên mái tôn theo nguyên lý khuếch tán ánh sáng trở thành nguồn chiếu sáng bền vững và không tốn chi phí.
Để giải quyết nhược điểm của “ bóng đèn” này là chỉ sử dụng được khi có ánh sáng, tổ chức MyShelter đã nghĩ ra một cách khác giúp những chai nhựa vẫn sáng được vào ban đêm. Họ lắp vào miệng chai nhựa một ống nghiệm chứa bóng đèn LED được nối với một miếng bản năng lượng mặt trời mini. Nhờ đó, những chai nhựa vẫn có thể khúc xạ ánh sáng vào ban ngày và trở thành một chiếc đèn năng lượng mặt trời vào ban đêm.
Chỉ nhờ vào một chai nhựa đã qua sử dụng, đã có hàng nghìn ngôi nhà được thắp sáng, vừa tiết kiệm chi phí lại hiệu quả trong việc giảm thải rác thải nhựa.
Thành công đến kinh ngạc của dự án
Cứ mỗi giây lại có 20.000 chai nhựa được mua trên thế giới, khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm. Những rác nhựa này gần như không thể phân hủy, gây ra hiện trạng ô nhiễm môi trường vô cùng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người và các sinh vật khác. Kể từ khi thành lập vào năm 2012 và chỉ hoạt động tại Philippines, cho đến nay hơn 350.000 chai nhựa đã được lắp đặt, trên 353.000 hộ gia đình tại 15 đất nước trên thế giới, bao gồm Mỹ, Colombia, Hà Lan, Thụy Sĩ, Italia, Pakistan, Ai Cập, Ấn Độ, Kenya, Nepal, Bangladesh, Mexico, Brazil, Dominica và Nicaragoa. Và chắc chắn những con số này còn tăng lên rất nhiều.
Áp dụng tại Việt Nam
Dựa trên dự án “ Lít ánh sáng” của Philippin, chương trình “Ánh sáng xanh cho cộng đồng” do Đoàn thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam đã áp dụng và triển khai cho đồng bào dân tộc tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với mục đích mang ánh sáng đến cho người dân thôn bản. Đây cũng là địa phương đầu tiên áp dụng và đã mang lại hiệu quả thiết thực cao cho người dân.
Thực hiện dễ dàng, chi phí lại không gây tôn kém nhưng mang lại hiệu quả cao vì một chai ánh sáng chỉ tốn hơn 10.000 đồng tiền nguyên vật liệu, giúp các gia đình nghèo tiết kiệm một khoản chi tiêu.
Trong tương lai, sẽ có nhiều quốc gia áp dụng thiết kế thông minh này và sẽ có hàng nghìn ngôi nhà dược thắp sáng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một khối lượng rác thải nhựa sẽ được tái sử dụng hữu ích.
Hà Linh