Tham dự Lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại biểu các tỉnh trong khu vực.
Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sừ 70 năm đấu tranh giành độc lập, kháng chiến kiến quốc, xây dựng và phát triển của một địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; là an toàn khu, là căn cứ địa vững chắc của Cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bắc Kạn hôm nay có nhiều đổi thay, phát triển ngày càng vững mạnh, toàn diện cùng sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước; nhưng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc anh em nơi đây luôn vinh dự, tự hào là nơi Bác Hồ kính yêu và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương đã gắn bó, làm việc và được chứng kiến những sự kiện lịch sử hào hùng trong những năm tháng không bao giờ quên của công cuộc đấu tranh giành độc lập và sự nghiệp kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta.
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn là dịp ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của một địa phương anh hùng đã luôn kề vai, sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước trong các thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vô vàn gian khổ nhưng đầy vẻ vang, tự hào của dân tộc.
Sự kiện Bắc Kạn, tỉnh đầu tiên của cả nước được giải phóng là bước khởi đầu vô cùng quan trọng, là niềm cổ vũ lớn lao cho những thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến, như trong Thư gửi đồng bào tỉnh Bắc Kạn sau khi được giải phóng (tháng 8/1949), Bác Hồ kính yêu đã khẳng định “Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Nông nghiệp phát triển ổn định; nhiều nông sản đã khẳng định thương hiệu; đã có khoảng 1300 ha đất lúa đươc chuyển sang trồng thuốc lá, rau, cây ăn quả như cam, quýt, mơ, chè… bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hiệu quả. Bước đầu tỉnh đã phát huy thế mạnh du lịch, nhất là thắng cảnh Hồ Ba Bể. Tỉnh đã thu hút được 440 nghìn lượt khách trong 7 tháng đầu năm 2019.
Là một địa phương nghèo, nhưng Bắc Kạn tự hào có tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học đạt trên 92%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 98%.
Tuy nhiên, Bắc Kạn vẫn là tỉnh nghèo và còn nhiều khó khăn; quy mô kinh tế nhỏ, phát triển chưa bền vững. Người dân chủ yếu làm nghề nông. Nguồn thu ngân sách thấp; trình độ phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (21,9% so với bình quân cả nước là 5,35%); đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Đây là những vướng mắc, cản trở chủ yếu đối với sự phát triển của Bắc Kạn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh cần tập trung xử lý, sớm giải quyết để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển trong thời gian tới.
Thủ tướng nêu rõ, Bắc Kạn cần phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu trở thành địa phương phát triển khá trong vùng và cả nước, có cơ cấu kinh tế hợp lý với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn trong sạch, vững mạnh.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu.
Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế giữa các ngành và nội ngành theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu qủa và sức cạnh tranh. Phát triển mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao. Khai thác tiềm năng phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến chế tạo, tiểu thủ công nghiệp. Tập trung phát triển mạnh dịch vụ, du lịch nhất là du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, đặc biệt là danh thắng Hồ Ba Bể.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy hoạch; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, kết nối với các địa phương trong vùng và với Thủ đô Hà Nội. Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; phát triển doanh nghiệp; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; phấn đấu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở mức trung bình và từng bước vươn lên thứ hạng cao trong vùng và cả nước.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng; chú trọng bảo vệ và phát triển rừng. Đưa các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững vào thực tiễn cuộc sống.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, rừng, đầu tư công…
Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội; kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, xã hội. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
“Với tinh thần “cả nước vì Bắc Kạn, Bắc Kạn vì cả nước”, chúng ta xác định xây dựng Bắc Kạn phát triển vững mạnh toàn diện là trách nhiệm trực tiếp của tỉnh; nhưng cũng là trách nhiệm chung của cả nước”, Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương trong cả nước tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ tỉnh Bắc Kạn vươn lên mạnh mẽ hơn, vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển cùng cả nước.