BVR&MT – Báo cáo mới được TRAFFIC công bố tại CITES CoP18 cho thấy mỗi tuần các quan chức bắt giữ được hai cá thể hổ bị buôn lậu, và con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số những cá thể hổ bị giết hại.
Các chuyên gia buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC phát hiện số lượng xác, da và xương bị tịch thu từ các trang trại hổ tăng đột biến kể từ năm 2012.
Thương mại quốc tế đã bị cấm nhưng nhóm nghiên cứu cho biết các cơ sở nuôi nhốt, chủ yếu ở Trung Quốc, làm giảm hiệu quả bảo vệ hổ do vẫn duy trì nhu cầu ở thị trường nội địa và cho phép “rửa” các sản phẩm hổ hoang dã.
Hiện còn chưa đầy 4.000 cá thể hổ hoang dã nhưng có tới hơn 7.000 cá thể trong các trang trại nuôi nhốt, đôi khi được khoác vỏ bọc là vườn thú. Năm 2016, hơn 180 cá thể đã bị bắt giữ tại một ngôi đền hổ ở Thái Lan.
Theo báo cáo, từ năm 2000 đến 2018, các sản phẩm từ 2.359 cá thể hổ đã bị bắt giữ ở 32 quốc gia.
Giám đốc TRAFFIC Đông Nam Á Kanitha Krishnasamy cho biết: “Các con số trên chỉ ở mức tối thiểu. Khả năng cao là chúng ta chỉ ngăn chặn được một tỷ lệ rất nhỏ buôn bán bất hợp pháp”.
Bà nhấn mạnh rằng các đại biểu dự Hội nghị thượng đỉnh CITES nên thực hiện các đề xuất hành động dài hơi, bao gồm đóng cửa ngay lập tức các trang trại hổ và áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ buôn lậu.
Trung Quốc đã ban hành các án tù lâu năm cho tội buôn lậu hổ nhưng ở nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Indonesia, các khoản phạt là không đáng kể.
“Thời gian để nói suông đã kết thúc: lời nói phải được biến thành hành động để không mất hổ thêm nữa. Mỗi một cá thể bị đưa ra khỏi tự nhiên đều thực sự là vấn đề”, Krishnasamy chỉ rõ.
Số lượng hổ hoang dã ở Ấn Độ cao nhất nhưng các báo cáo gần đây cho rằng quần thể ngày càng tăng này có thể là kết quả của việc kiểm đếm tốt hơn mà thôi.
Nhật Anh (Theo The Guardian)