BVR&MT – Sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon là những vật dụng đã và đang trở nên phổ biến, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân. Sự ra đời của các sản phẩm này tuy đem lại nhiều tiện ích nhưng lại mạng đến hậu quả cho môi trường, dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng” và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Khoảng đầu những năm 1990, khi những chiếc túi nilon bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, một thứ đồ đựng “thần kỳ”, mỏng, nhẹ, dai bền, thay thế cho miếng giấy xi măng gói thịt, hay cho những chiếc túi làm bằng báo cũ đựng đỗ, lạc, vừng. Chúng ta hào hứng đón nhận một vật dụng đơn giản mà tiện dụng nhưng không hề lường trước được hậu quả từ túi nilon.
Theo thống kê của FAO – Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, Việt Nam tạo ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó có 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển. (Việt Nam là nước đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển). Hiện tại có trên 93% dân số cả nước sử dụng túi nilon, chất thải nhựa. Một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Đây là những con số đáng báo động về tình trạng rác thải nhựa tại nước ta.
Tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người
Ở ngoài môi trường tự nhiên, các loại rác thải từ nhựa, túi nilon phải mất khoảng 450 – 500 năm để tiêu hủy. Trong thời gian đó, các loại chất có hại trong rác thải nhựa ngấm vào đất làm ô nhiễm môi trường hoặc lẫn vào nước ngăn chặn khí oxy khiến cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp. Chất thải nhựa, túi nilon rất khó xử lý, khó thu gom, càng không thể đem đi đốt bởi sẽ tạo ra nhiều lượng khí thải độc hại làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, những tác độc tiêu cực của rác thải nhựa còn thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo các nghiên cứu khoa học, những vật dụng làm từ nhựa có giá thành rẻ, được ưa dùng như thìa, ống hút, hộp đựng thức ăn… lại chính là thủ phạm chính hàng ngày đưa các chất độc hại vào cơ thể. Nguyên nhân do nhựa sẽ dễ dàng tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 – 800 độ C và có thể nhiễm vào thực phẩm. Chất độc từ nhựa nhiễm trong thức ăn khi chúng ta sử dụng tích lũy lâu ngày sẽ gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm, đặc biệt có thể gây rối loạn giới tính và vô sinh ở trẻ em.
Cần sự chung tay của cả xã hội
Tại Lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có nói: “Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia”. Phương châm của Thủ tướng nêu rõ: ” Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Quả thực, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ hết sức cấp bách, đòi hỏi thực hiện thường xuyên và cần có sự chung tay của toàn xã hội. Vai trò, tinh thần trách nhiệm của công tác tuyên truyền phải được nêu cao nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần, túi nilon… Các tầng lớp trong xã hội cần hưởng ứng các phong trào, tạo ra nhiều sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như: thay dổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi làm từ chất liệu tự nhiên, ống hút tre, các loại đồ dùng có thể tái sử dụng nhiều lần… Hạn chế sử dụng các vật dụng làm từ nhựa, từ đó giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường là việc làm cấp thiết, góp phần giữ gìn môi trường, xây dựng xã hội văn minh, thân thiện, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng.
Để giảm thiểu rác thải nhựa tuy không đơn giản, có thể gặp nhiều khó khăn nhưng nếu có sự vào cuộc và chung tay của toàn xã hội sẽ từng bước giải quyết được những vấn đề đang còn tồn tại. Vì một môi trường không ô nhiễm và sức khỏe của cộng đồng, hãy hành động khi còn có thể: “Nói không với rác thải nhựa ngay hôm nay”!
CTV Hoàng Nhật