BVR&MT – Thực hiện phương châm “hướng về cơ sở, bám sát nông dân”, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên đã triển khai có hiệu quả các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực sự đồng hành cùng nông dân trên con đường phát triển sản xuất nông nghiệp, thoát nghèo bền vững…
Trên cơ sở đặc điểm của một tỉnh biên giới miền núi còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, đất đai canh tác và trình độ sản xuất của người dân còn có những hạn chế nhất định… nên trong triển khai nhiệm vụ, Trung tâm Khuyến nông ( Trung tâm) tỉnh Điện Biên đã đặc biệt coi trọng công tác tập huấn và hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bằng cách làm “cầm tay, chỉ việc”, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và tổ chức mở hơn 200 lớp bồi dưỡng, tập huấn với sự tham gia của gần 12.000 lượt nông dân trên địa bàn. Nội dung của các lớp tập huấn chủ yếu tập trung vào kỹ thuật canh tác những giống ngô, lúa mới; kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân bón đúng cách; phương pháp nuôi thả cá giống, cá thịt… Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông viên cấp xã, trưởng và phó bản, cộng tác viên khuyến nông. Kết quả, thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, Trung tâm đã trực tiếp giúp nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất, thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi với cơ cấu giống hợp lý, hiệu quả.
Đặc biệt, bám sát tâm lý của đồng bào các dân tộc, Trung tâm đã chú trọng việc xây dựng các mô hình điểm gắn với công tác hỗ trợ cây giống, con giống cho người nông dân. Thông qua việc tận mắt quan sát hiệu quả thực tế của các mô hình điểm sẽ có tác dụng làm cho bà con tin và làm theo cách làm mới của cán bộ khuyến nông, khuyến ngư. Điển hình như các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình thâm canh lúa IR64, thâm canh ngô lai NK 4300, NK 66, NK 7328; mô hình trồng đậu tương và khoai lang trên đất lúa 1 vụ; mô hình trồng rau xanh an toàn; mô hình trồng giống nhãn tuyển của Hát Lót (Sơn La) và trồng dừa Thanh Hóa; mô hình cải tạo giống nhãn địa phương bằng cách ghép mắt; mô hình nuôi thả cá hệ VAC và chăn nuôi bò sinh sản; mô hình nuôi cá lồng, cá rô đầu vuông, cá diêu hồng; mô hình trồng và chăm sóc các loại cây thân gỗ…
Chị Lò Thị Thiêm ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng cho biết: “Cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật lựa chọn con giống, cách chuẩn bị thức ăn, chăm sóc và phòng bệnh cho đàn bò nên từ khi tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản, kinh tế gia đình tôi đã được cải thiện rất nhiều so với trước. Mọi người tham gia mô hình, ai cũng cảm ơn cán bộ khuyến nông”.
Tìm hiểu được biết, với sự đồng hành thường xuyên của cán bộ khuyến nông, khuyến ngư và sức lan tỏa từ hiệu quả của các mô hình thí điểm nên sản xuất kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua đã có những nét khởi sắc rõ rệt. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước có sự chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa, hợp lý, hiệu quả. Nhiều hộ nông dân đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Tại các địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều các điển hình nông dân làm kinh tế giỏi với thu nhập mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng như ông Lò Văn Miên ở xã Hua Thanh, huyện Điện Biên với mô hình trang trại VAC; ông Cà Văn Thành ở xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng với mô hình nuôi cá hệ VAC; anh Và A Lử ở xã Na Ư, huyện Điện Biên với mô hình chăn nuôi bò sinh sản; anh Lò Văn Bé ở xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông với mô hình nuôi dê núi sinh sản; anh Nguyễn Văn Phú ở thị xã Mường Lay với mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ…
Tuy nhiên, do địa hình trải rộng, dân cư phân tán và nguồn kinh phí bảo đảm chưa nhiều nên nhìn chung, các mô hình khuyến nông, khuyến ngư ở Điện Biên còn nhỏ về quy mô, hạn chế về số lượng trong khi nhu cầu thực tế của nông dân là rất lớn. Hiệu quả triển khai số ít mô hình khuyến nông, khuyến ngư tại một số địa phương chưa thực sự cao. Vì vậy, mong mỏi chung của đồng bào các dân tộc trong tỉnh là có sự hỗ trợ nhiều hơn của Nhà nước cùng các cơ quan chuyên môn để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các mô hình khuyến nông, khuyến ngư.
Theo đồng chí Ðinh Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên, nhìn một cách tổng thể, các mô hình khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn đã góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của nông dân. Thông qua thực hiện các mô hình và tham gia các lớp tập huấn, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm; từ đó giúp bà con nắm chắc kỹ thuật, biết bố trí thời vụ, sử dụng giống mới và phân bón hợp lý; biết cách phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm, chế biến và bảo quản thức ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh… Nhờ vậy, hiệu quả hoạt động chăn nuôi, trồng trọt được nâng cao, đời sống người dân dần được phát triển.
Có thể thấy, đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; coi trọng làm điểm hiệu quả… Trung tâm đã thực sự đồng hành cùng người nông dân, tạo cơ hội cho các nông hộ có điều kiện nâng cao trình độ thâm canh; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị sản xuất. Qua đó tạo động lực quan trọng góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân, thiết thực giảm nghèo bền vững đồng thời đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên.