BVR&MT – Một trong các biện pháp hàng đầu có thể làm – để vừa hạn chế tác hại của việc phát triển thái quá nông nghiệp khiến thiên nhiên bị hủy hoại, vừa có thêm thực phẩm – là hạn chế nạn lãng phí.
Ngày 2/8 tại Geneve (Thụy Sĩ) đã khai mạc cuộc họp của đại diện 195 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm thảo luận về báo cáo quan trọng của Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC), với chủ đề chính: “Vai trò của nông nghiệp và nền công nghiệp thực phẩm trước thách thức nuôi sống 10 tỷ người vào giữa thế kỷ,” tình trạng nóng lên của Trái Đất, và thiên nhiên bị hủy hoại.
IPCC đã trình báo cáo 1.200 trang về chủ đề “Biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, đất đai suy kiệt, quản lý đất bền vững, an toàn thực phẩm và vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính với các hệ sinh thái trên Trái Đất.”
Đây là bản báo cáo khoa học được coi là đầy đủ nhất về chủ đề này cho đến nay.
Đại diện của các nước và vùng lãnh thổ tham gia đã thảo luận kín về bản tóm tắt kết luận báo cáo, để đưa ra kết luận chính thức.
Nội dung sau khi được đại diện các nước phê chuẩn sẽ được công bố vào ngày 8/8 tới.
Báo cáo về “Biển đổi khí hậu và đất đai” tập trung làm rõ vai trò của nền công nghiệp thực phẩm – từ khâu sản xuất đến người tiêu thụ, đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là việc sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên đất đai.
Sử dụng đất đúng cách, đất đai được bảo vệ sẽ vừa giúp bảo đảm an ninh lương thực, thanh lọc nước, vừa lưu giữ được khí carbon, giảm nguy cơ khô hạn hay lũ lụt.
Nông nghiệp và nạn phá rừng bị coi là chịu trách nhiệm cho khoảng 1/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Việc mở rộng nhanh chóng diện tích trồng trọt, ví dụ như trồng đậu tương để nuôi gia súc hay trồng dầu cọ chế tạo xăng sạch, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc rừng bị phá hủy trên quy mô lớn.
Mỗi năm trên toàn thế giới, một diện tích rừng nhiệt đới tương đương đất nước Sri Lanka bị phá hủy, do nạn phá rừng, do tình trạng sa mạc hóa, hay các nguyên nhân khác.
Theo đại diện Hiệp hội Hành động vì Khí hậu (Climate Action Network), Stephan Singer, hiện nay cho dù nông nghiệp có sản xuất nhiều thêm lương thực, thực phẩm, thì vẫn còn 820 triệu người bị đói.
Báo cáo của IPCC đặc biệt chú ý đến số phận của các cộng đồng bản địa và phụ nữ, nạn nhân hàng đầu của tình trạng môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu, điều kiện sống tồi tệ.
Một trong các biện pháp hàng đầu có thể làm – để vừa hạn chế tác hại của việc phát triển thái quá nông nghiệp khiến thiên nhiên bị hủy hoại, vừa có thêm thực phẩm – là hạn chế nạn lãng phí.
Tính tổng cộng trên toàn thế giới, khoảng 30% thực phẩm bị phí phạm hằng năm.
Giảm 50% lượng tiêu thụ thịt cũng là một biện pháp quan trọng khác để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trên thế giới hiện có khoảng 2 tỷ người đang bị thừa dinh dưỡng hoặc béo phì, trong khi 820 triệu người phải ôm bụng đói đi ngủ mỗi tối.
Theo báo cáo của IPCC, việc tiêu thụ thực phẩm quá nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể có thể bị xem như một kiểu lãng phí thực phẩm.