BVR&MT – Sáng nay, ngày 03/08, tại TP. Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2016 – 2020 đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới khu vực phía bắc giai đoạn 2010 – 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND 14 tỉnh trong vùng và các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.
Xác định xây dựng nông thôn mới là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường – Bộ NN&PTNT cho biết: “Do có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, khu vực miền núi phía Bắc là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, là nơi tập trung sinh sống của đại đa số đồng bào các dân tộc Việt Nam. Những năm qua Đảng, nhà nước luôn quan tâm, xây dựng khu vực miền núi phía Bắc phát triển toàn diện, bền vững, là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước”.
Khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) bao gồm 14 tỉnh, với tổng diện tích là 95.222,3 km² (chiếm 28,75% diện tích của cả nước), dân số trung bình khoảng 11.984.300 triệu người (chiếm 12,93% dân số cả nước) với trên 30 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa đặc trưng. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin, khu vực MNPB cũng là khu vực có địa hình tự nhiên rất phức tạp, chia cắt hiểm trở, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, kinh tế – xã hội chậm phát triển, nên sau 9 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, kết quả đạt được của các địa phương khu vực MNPB vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức so với các vùng khác của cả nước. Do đó, cần được nhìn nhận, đánh giá toàn diện về những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới để thúc đẩy xây dựng nông thôn của vùng MNPB bền vững và theo kịp tiến trình của cả nước.
Về phía các địa phương, Đại diện ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, cụ thể năm 2018 như sau: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,02%; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 661 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 25,066 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 14 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 13,029 nghìn tỷ đồng; giá trị sản phẩm/01 ha đất nông nghiệp đạt 95 tỷ đồng.
Đối với tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chính quyền của tỉnh. Tốc độ phát triển kinh tế tỉnh Hòa Bình đứng thứ 4 các tỉnh phía Bắc với 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2018 đã có TP. Hòa Bình đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2019 xác định mục tiêu phấn đấu huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới.
Cơ cấu ngành nông nghiệp cơ bản hình thành vùng sản xuất tập trung. Doanh thu ước tính lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 450 triệu\ha. Cứng hóa đường giao thông nông thôn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện Cao Phong là địa phương chủ lực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình. Trong báo cáo tỉnh cho biết, hiện nay, toàn huyện có 3.015,6 ha, trong đó: Cây cam 1.691,44 ha, cây quýt: 835,86 ha, cây bưởi: 488,3 ha. Diện tích cây thời kỳ kiến thiết cơ bản: 1.671,0 ha, diện tích cây thời kỳ kinh doanh: 1.344,6 ha. Sản lượng niên vụ 2018-2019 trên 35.000 tấn. Hiện tại Cao Phong có rất nhiều giống cam quýt đang cho thu hoạch như: Cam CS1 (cam lòng vàng), cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao, cam Sông Con (cam Chỏng), cam V2, cam canh, quýt ôn châu… cho thu hoạch sản lượng từ 20 – 40 tấn/năm tùy từng loại giống đã làm cho thời vụ thu hoạch cam kéo dài thời gian trong năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Hiện nay toàn huyện có 972,44 hecta cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với 734 hộ tham gia, trong đó: Dự án hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ cam Cao Phong theo hướng nâng cao chất lượng và quản lý thương hiệu (Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới): 369,48 hecta với 193 hộ và 01 HTX tham gia, Công ty TNHH MTV Cao Phong: 190 hecta (210 hộ công nhân tham gia), còn lại là diện tích của Hội trồng cam thị trấn Cao Phong và một số tổ chức, cá nhân khác.
Trong giai đoạn 2021-2025, phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 10 năm để đề ra được Chương trình, mục tiêu cụ thể sát với tình hình thực tế, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản khó khăn; phát động các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới; xác định tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung nâng cao chất lượng, khắc phục những yếu kém, khơi dậy được những tiềm năng, lợi thế phát triển, nâng cao trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở; huy động các nguồn lực để xây dựng chương trình, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung ương để tạo động lực phát triển; quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đến 2025.
Trong các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Điện Biên là tỉnh khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 11 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2016-2020 là 7 xã); có 08 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; có 15 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và 75 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí; Số tiêu chí bình quân là 9,8 tiêu chí/xã; hoàn thành mục tiêu không còn xã dưới 05 tiêu chí.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn như: Tỷ lệ xã đạt dưới 10 tiêu chí còn cao (75 xã, chiếm trên 64% tổng số xã); Thực trạng xây dựng nông thôn mới của các thôn, bản thuộc phạm vi Đề án 1385/QĐ-TTg và mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 29 xã biên giới chưa đạt yêu cầu (còn 19 xã dưới 10 tiêu chí, mục tiêu của Đề án đến năm 2020 không còn xã dưới 10 tiêu chí); Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn cao (chiếm 44,26%); Thu nhập bình quân đầu người còn thấp (17,0 triệu đồng/người/năm)…
Mục tiêu Xây dựng Nông thôn mới 2021-2025
Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ NN&PTNT xác định rõ mục tiêu như sau:
Cấp tỉnh, có ít nhất 01 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Cấp huyện, 100% các tỉnh khu vực MNPB có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu; Cấp xã có 56% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Cấp thôn: 80% số thôn, bản thuộc phạm vi Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 90% số thôn, bản thuộc các xã khác trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí thôn nông thôn mới do các địa phương quy định.
Tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục hoàn thành, nhất là các chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu của các Đề án đặc thù đã Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn sau năm 2020 hết sức cụ thể, sát với tình hình thực tế; nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn, bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới xây dựng nông thôn mới và một số nội dung của chương trình còn đạt tỷ lệ thấp, để từng bước hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của vùng miền núi phía Bắc.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao Bộ NN&PTNT, Ủy ban nhân dân các tỉnh phía Bắc, đã phối hợp thực hiện các chương trình MTQG. Trong đó, có Chương trình Xây Dựng nông thôn mới.
Về kết quả, Phó thủ tướng cho rằng: Tam Nông là vấn đề chiến lược phát triển đất nước, nông thôn mới là căn bản, phát triển theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí rà soát lại tại các tỉnh, để tiếp tục ghi nhận tại các địa phương. Trên cơ sở đó, chuẩn bị kế hoạch trong những năm tiếp theo.
Văn Trì – Hà Linh