BVR&MT – Thời gian qua, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác bảo tồn VQG và nhận được sự đồng thuận lớn từ phía chính quyền và bà con thôn bản.
Thực hiện Chính sách chi trả tiền Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ, Ngày 18/01/2017 UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 226/QĐ-UBND về việc phê duyệt diện tích lưu vực, diện tích rừng trong lưu vưc, hệ số K, đơn giá, đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2016. Trên cơ sở đó Vườn quốc gia Hoàng Liên đã chỉ đạo Kiểm lâm Hoàng Liên phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Được biết, năm 2016 vườn quốc gia Hoàng Liên thực hiện chi trả tiền DVMTR năm 2015 theo đúng quy định. Tiến hành giám sát các thôn bản thực hiện chi tiền dịch vụ môi trường rừng 2015 đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Tổng diện tích vườn quốc gia Hoàng Liên được chi trả tiền DVMTR năm 2015 là 25.115,66 ha với tổng số tiền được chi trả là 10.708,67 triệu đồng.
Trong đó, diện tích rừng thuộc tỉnh Lào Cai do vườn quốc gia Hoàng Liên chi trả là 18.658,80 ha, tổng số tiền 6.101,43 triệu đồng (đơn giá 327.000 đồng/1ha).
Cụ thể, chi quản lý: 281,23 triệu đồng; chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng: 5.820,19 triệu đồng, (chi cho diện tích tự bảo vệ của chủ rừng là 3.289,09 triệu đồng; chi cho diện tích giao khoán các cộng đồng thôn/bản là 2.531,1 triệu đồng).
Phần diện tích rừng thuộc tỉnh Lai Châu do Ban Quản lý rừng Phòng hộ huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu chi trả trên địa bàn thuộc 02 xã Phúc Khoa và Trung Đồng, huyện Tân Uyên với diện tích 6.456,86 ha và số tiền chi trả là 4.606,24 triệu đồng.
Có thể khẳng định với Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn vườn quốc gia Hoàng Liên trong vài năm qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đã tạo được sự đồng thuận từ bộ máy chính quyền đến các cộng đồng thôn bản, tăng cường sự phối hợp giữa chủ rừng, chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác bảo vệ rừng từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện môi trường sinh thái.
Ông Lê Xuân Thắng, phó Hạt trưởng- Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên cho biết: Việc chi trả DVMTR, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng sẽ chi trả tiền cho bên cung ứng DVMTR thông qua tổ bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách chi trả DVMTR đã mang đến lợi ích nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phục vụ cho công tác bảo vệ rừng.
Để chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống, kịp thời động viên khích lệ người dân trong công tác bảo vệ rừng, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện: Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng kế hoạch chi trả tiền DVMTR của từng thôn đảm bảo công khai, minh bạch, sát với tình hình thực tế của từng thôn, đặc biệt có sự bàn bạc thống nhất cao của mọi người dân trong thôn.
Với những kết quả nêu trên có thể khẳng định việc tiếp tục triển khai chính sách chi trả tiền DVMTR trên lâm phần do vườn quốc gia Hoàng Liên quản lý, sẽ từng bước mang lại những hiệu quả nhất định, đi vào cuộc sống, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng nhất là đồng bào các dân tộc ở các vùng miền núi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn phát triển bền vững tài nguyên rừng xứng đáng Vườn di sản Asian và Khu dự trữ Sinh quyển Hoàng Liên Sơn trong tương lai.
Chiến Hữu