BVR&MT – UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, UBND thành phố giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan… tổ chức triển khai thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Theo đó, các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi cần tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đối với lợn khỏe mạnh trong cùng ô chuồng, dãy chuồng với lợn mắc bệnh, được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi thì được nuôi cách ly hoặc giết mổ để tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện.
Đối với lợn khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có lợn mắc bệnh, được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi thì được giết mổ để tiêu thụ thuộc địa bàn cấp huyện. Trường hợp có nhu cầu để nuôi thì được vận chuyển đến nơi khác thuộc phạm vi địa bàn cấp tỉnh để nuôi với sự giám sát của thú y địa phương.
Đối với trang trại chăn nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đối với lợn khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng có lợn mắc bệnh, được lấy mẫu và có kết quả âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi được giết mổ để tiêu thụ thuộc địa bàn cấp huyện. Trường hợp có nhu cầu để nuôi thì được vận chuyển đến nơi khác thuộc phạm vi địa bàn cấp huyện để nuôi dưới sự giám sát của thú y địa phương.
Đối với lợn khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có lợn mắc bệnh thì được giết mổ để tiêu thụ thuộc địa bàn cấp tỉnh. Trường hợp có nhu cầu để nuôi thì được vận chuyển đến nơi khác thuộc phạm vi cấp tỉnh để nuôi dưới sự giám sát của thú y địa phương.
Đối với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong vùng dịch, cơ quan thú y không cần lấy mẫu sản phẩm để xét nghiệm mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Hoàng Tôn