BVR&MT – Đó là một trong những ý kiến tiêu biểu được đưa ra tại Hội thảo: “Phát huy tiềm năng, lợi thế Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An để phát triển bền vững Nông lâm nghiệp, Du lịch và Dịch vụ”, do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức tại trung tâm huyện Con Cuông vào ngày 12/4, nhân dịp kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Tây Nghệ An trở thành Khu DTSQ Thế giới.
Hội thảo có sự tham dự của ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Vũ Văn Hưng, Phó Giám đốc BQL các Dự án Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, ông Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch UBQG Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, ông Brian Bean, Giám đốc Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam, ông Peter Singleton, Cục lâm nghiệp Hoa Kỳ… cùng đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và tỉnh Nghệ An.
Theo đánh giá của UNESCO: “Khu DTSQ miền Tây Nghệ An là một tổ hợp các di sản thiên nhiên, văn hoá đồ sộ và hoành tráng với những giá trị của hàng nghìn loài động thực vật, với nhiều loài động thực vật hoang dã, quý hiếm cùng với di sản văn hoá các cộng đồng tộc người vùng sông Hiếu, sông Nậm Nơn, Truyền thống bản địa các dân tộc”.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An được chính thức công nhận vào tháng 9/2007 với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thứ 6 của Việt Nam được UNESCO công nhận. |
Kể từ tháng 9/2007 cho đến nay, các Bộ, ngành Trung ương đã phối hợp cùng các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong nước và Quốc tế như: VFD, USAID, Winrock International, SNV, SRD, IUCN, WWF, FFI, OXFAM…, thường xuyên tiến hành các hoạt động đầu tư, nghiên cứu về đa dạng sinh học, làm tăng giá trị của công tác bảo tồn đối với khu DTSQ Tây Nghệ An. Tuy nhiên, để phát triển bền vững về Nông lâm nghiệp, Du lịch và Dịch vụ cho khu “bảo tàng thiên nhiên sống” này đòi hỏi những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ và thực sự ưu việt.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, GS. Nguyễn Hoàng Trí (MAB) nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của khu DTSQ Tây Nghệ An là phải điều phối hài hoà các hoạt động dựa trên lợi ích và trách nhiệm đã được xác định trong luật pháp và chính sách quốc gia. Bên cạnh đó, việc nâng cao giá trị và thương hiệu các sản phẩm bản địa gắn liền với hình ảnh đặc trưng của Khu DTSQ chính là cách quảng bá và truyền thông tốt nhất tới cộng đồng trong nước và quốc tế”.
Cũng theo GS. Trí, tại các quốc gia có khu DTSQ cực kỳ lớn, điển hình như khu DTSQ Mata Atlantica, Brasil với diện tích lên đến 29 triệu ha, dọc theo 3000 km bờ biển thì việc áp dụng tư duy hệ thống và tiếp cận sinh thái trong thiết kế và quản lý được khai thác một cách vô cùng tối ưu, trong đó vấn đề phát triển kinh tế chất lượng kết hợp với bố trí các danh hiệu sinh quyển hiện hữu một cách hài hoà là một trong những yếu tố được chú trọng hàng đầu. Cụ thể đối với khu DTSQ Tây Nghệ An, các sản phẩm và dịch vụ đã dần phát triển theo xu hướng gắn với giá trị bản địa như: mô hình du lịch sinh thái homestay, các sản phẩm tinh dầu, xà bông, rượu… đều mang “thương hiệu” rất đặc trưng và nổi bật.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có các giá trị nổi bật sau: Có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285ha; Là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt; Có khoảng 2.500 loài, trong đó có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao (74%); có 130 loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm như: sao la, hổ, thỏ vằn trường sơn… Đây cũng là nơi có tính đa dạng về văn hóa dân tộc lớn nhất trong số các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam với 9 dân tộc. |
Về góc độ của nhà quản lý, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý Khu DTSQ Tây Nghệ An cũng rất tán thành với giải pháp nâng cao giá trị bản địa bắt đầu từ quá trình kết hợp hài hoà các giá trị cốt lõi về đa dạng sinh học, đa dạng địa chất, đa dạng danh thắng, cảnh quan cho đến đa dạng văn hoá. Đây cũng là “chất keo” kết nối 3 khu rừng đặc dụng tạo nên sự liên tục về môi trường và sinh cảnh của khu DTSQ bao gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Đại diện phía đối tác quốc tế trong vấn đề phát triển bền vững khu DTSQ Tây Nghệ An, ông Brian Bean, Giám đốc Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam cho biết, ông rất vui mừng vì những kết quả khả quan mà ban quản lý khu DTSQ và các đồng nghiệp Việt Nam đã đạt được trong công tác bảo tồn, phát triển bền vững những giá trị đa dạng sinh thái cũng như văn hoá cộng đồng bản địa. Ông cũng bày tỏ hi vọng, phía Việt Nam trong tương lai sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm đẩy mạnh việc phát huy tiềm năng và lợi thế của khu DTSQ trên cạn lớn nhất quốc gia này.
Đối với vấn đề xây dựng khuôn khổ pháp lý và dự thảo Hành lang đa dạng sinh học tỉnh Nghệ An, Hội thảo cũng nhận được những đóng góp vô cùng hữu ích đến từ bà Huỳnh Thị Mai, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đa dạng sinh học – Bộ TN&MT và TS. Peter Singleton, Cục lâm nghiệp Hoa Kỳ.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tiến hành thảo luận và đưa ra nhiều sáng kiến mang tính thiết thực và kịp thời, góp phần tư vấn trực tiếp cho chính quyền và các cơ quan quản lý của tỉnh Nghệ An trong tiến trình phát triển khu DTSQ Tây Nghệ An giai đoạn sắp tới.
Bài, ảnh: Hậu Thạch