BVR&MT – Ngày 11/7, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào rà soát quốc gia về 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất của thế giới về bình đẳng giới và trao quyền của phụ nữ.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh: Là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc mong muốn các thành tựu, khó khăn và thách thức trong việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số sẽ được phản ánh đầy đủ trong báo cáo quốc gia. Điều này đóng góp vào việc xác định những ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại phía sau” thì những vấn đề dân tộc thiểu số và bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số rất cần được quan tâm đặc biệt. Do đó, tiếng nói và sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số cùng các bên liên quan trong triến trình chuẩn bị báo cáo quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong quá trình rà soát tại Việt Nam.
Vào năm 2020 thế giới sẽ kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, đồng thời cũng là năm năm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã có kế hoạch đệ trình báo cáo quốc gia đến Liên hợp quốc năm 2019 để tích cực tham gia vào việc rà soát kiểm điểm cấp vùng châu Á Thái Bình Dương sẽ được tổ chức vào cuối năm 2019.
Là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam xây dựng báo cáo 25 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng, thực thi và giám sát thực hiện các chính sách luật pháp về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số để đảm bảo “không bỏ ai ở lại phía sau”.