Sử dụng lửa trong phòng cháy rừng thông ở Lâm Đồng

BVR&MT – Tỉnh Lâm Đồng có gần 180.000 ha rừng thông (chủ yếu là Thông 3 lá), trong đó hơn 40.000 ha là rừng non mới trồng. Đây là một trọng điểm phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong cả nước. Hàng năm, cứ vào mùa khô, hoa quỳ nở, nạn cháy lại xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là rừng thông non chưa khép tán, thảm cỏ dầy rậm.

I .TỔNG QUAN VẤN ĐỀ

Các biện pháp PCCCR truyền thống gồm: lập hệ thống đường ranh cản lửa, chòi canh gác, tổ chức lực lượng thường trực tuần tra canh gác chữa cháy chỉ có tác dụng ở thời điểm đầu mùa khô khi cấp báo cháy dưới mức trung bình.

Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, tỉa thưa rừng thông non, thảm cỏ, cành khô phát dọn xong đều để lại trong lô. Đốt dọn thảm cỏ xong trước thời điểm khô nóng làm giảm nguy cơ cháy là biện pháp phòng cháy rừng có hiệu qủa nhất. Biện pháp này thường gọi là đốt trước.

Đốt trước phải không ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng của thông, không phá huỷ tầng đất mặt. Khó nhất là đốt trước ở rừng non thảm cỏ dầy rậm, sơ ý sẽ dẫn đến cháy rừng.

Nếu canh giữ lửa rừng nhiều năm không xảy ra cháy, thì vật liệu cháy tích tụ lại càng nhiều. Xảy ra cháy, rừng thông non dễ bị thiêu hủy.

Từ năm 1991-1995, Lâm Đồng đã lần lượt thử nghiệm đốt trước thành công cho rừng thông trồng ở các lớp tuổi: rừng trung niên, rừng sào, rừng non nuôi dưỡng, rừng non đang chăm sóc.

Từ năm 1996 đến nay, đốt trước đã được triển khai trên toàn Tỉnh. “Quy trình kỹ thuật đốt trước cho rừng thông ở Lâm Đồng” được xây dựng từ năm 1996-1997. Trong quá trình thực hiện, một số điểm đã được bổ sung cho phù hợp với thực tế nhưng những điểm cơ bản vẫn không thay đổi.

II. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1/ Kết quả:

1.1 Kỹ thuật đốt trước:
1.1.1. Thời vụ tiến hành đốt trước:
– Mùa khô ở Lâm Đồng từ tháng 11 đến tháng 4. Tháng 1, đã xuất hiện 1 số đám cháy, nhưng nhỏ và thiệt hại không đáng kể. Cháy rừng chủ yếu xảy ra trong tháng 2, 3 và đầu tháng 4.
– Căn cứ số bình quân giờ nắng trong tháng, nhiệt độ không khí, nhiệt độ mặt đất, độ ẩm không khí, độ ẩm tầng đất mặt, có thể chia mùa khô thành 2 mùa khô phụ: khô lạnh và khô nóng.

– Đốt trước phải thực hiện bắt đầu từ tháng 10 và hoàn tất trong mùa khô lạnh nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu của lửa tới sinh trưởng của thông non và tầng đất mặt.

1.1.2. Phân chia giai đoạn thông non để đốt trước:

Dựa vào sự khác nhau giữa các biện pháp lâm sinh tác động vào thông non trong giai đọan chăm sóc, nuôi dưỡng và ảnh hưởng của lửa tới chúng, có thể chia rừng thông làm 4 loại hình rừng chính để tiến hành công việc đốt trước: rừng non 1 – 5 tuổi, rừng non 6 –10 tuổi, rừng sào 10-20 tuổi, rừng trung niên 20-30 tuổi.


– Hai giai đoạn rừng non 1 – 5 tuổi và rừng non 6 –10 tuổi là 2 giai đọan thực hiện khó nhất trong đốt trước, có 1 sơ xuất nhỏ sẽ xảy ra cháy rừng.

1.1.3. Trình tự thực hiện đốt trước:

Đốt trước ở rừng non giai đoạn 1 – 5 tuổi vào tháng 10,11, rồi đến rừng non 6 –10 tuổi, rừng sào 10-20 tuổi vào tháng 11, 12, rồi đến rừng thông trung niên 20-30 tuổi vào tháng 12 đến đầu tháng 1.

Nơi đất hạng tốt thảm cỏ dầy rậm, Nơi đất hạng xấu thảm cỏ thưa thớt. Đốt trước ở rừng có thảm cỏ dầy rậm trước, thưa sau. Đốt trước ở rừng gần nương rẫy và khu dân cư trước, xa sau.


1.1.4. Phát dọn vật liệu cháy:

Phải luỗng phát thảm cỏ nhằm hạ thấp độ cao vật liệu cháy, làm cỏ mau khô, đốt dễ điều khiển ngọn lửa.

Thông non giai đoạn từ 1 – 5 tuổi phải phát thảm cỏ, cây bụi chèn ép thông non, rẫy cỏ xung quanh gốc, đường kính trên 50cm.

Thông non 6 – 10 tuổi, cũng phát thảm cỏ như thông non 1 – 5 tuổi, và luỗng 2 – 3 tầng cành khô phần dưới gốc của cây thông. Phải tỉa thưa khi rừng non gần khép tán (biểu mật độ cây để lại cho tỉa thưa).

Chú ý giữ lại những cây bụi lá rộng.

Gom toàn bộ thảm cỏ và cành thông đã luỗng phát và ngọn cây tỉa thưa ra băng chừa hoặc ô trống ngay trong lô, theo băng hoặc theo đám, cách xa gốc thông trên 80cm.

Rừng trung niên trở lên trước đây đã được chăm sóc, nuôi dưỡng nên đốt thảm cỏ không cần phải luỗng phát.

Những nơi, thông non, thảm cỏ dầy rậm, ngay trong mùa mưa (tháng 8, 9) cho phát thảm cỏ rồi dải đều trên bề mặt, vừa hạn chế cỏ mọc vừa làm cho thảm cỏ phát xuống bị phân huỷ bớt, khi đốt dễ dàng hơn. Cách làm này giảm căng thẳng, khẩn trương trong công việc cho những nơi diện tích rừng trồng nhiều, lao động mùa vụ khó huy động.

1.1.5 Vật liệu cháy:
– Vật liệu cháy ở đầu mùa khô bao gồm: thảm khô, thảm cỏ, thảm mục, 3 loại này không khô cùng một lúc.
– Thảm khô: gồm có lá thông khô, lá cỏ khô, có độ ẩm từ 12-15%, có khả năng cháy sớm nhất ngay đầu mùa khô khi ngừng mưa. Nó là vật liệu dễ bắt lửa để đốt cháy thảm cỏ héo.- Thảm cỏ: tháng 10, cỏ ngừng sinh trưởng, độ ẩm khoảng 45-50%, chưa thể cháy được. Sau khi phát luỗng thảm cỏ khoảng 2-3 ngày, trời không mưa, có thể tiến hành đốt ngay. Cỏ khô dễ bén lửa cháy làm cỏ héo cũng cháy theo nhưng ngọn lửa không bốc cao không làm xém vàng lá thông non.


– Thảm mục: gồm xác thực vật ở trạng thái bán phân hủy, nằm sát tầng đất mặt vẫn còn ẩm ướt vào đầu mùa khô. Trên đất hạng tốt, mặt đất thường tồn tại tầng thảm mục dầy trung bình 2-5cm. Đốt trước ở thời điểm khô lạnh không ảnh hưởng xấu tới tầng thảm mục trên đất mặt. Giữa mùa khô nóng, tháng 2, độ ẩm tầng thảm mục khoảng 15-20%. Vào thời điểm khô nóng, đốt thảm cỏ sẽ làm thảm mục cháy theo.

1.1.6. Kỹ thuật đốt:
Không để vật liệu cháy khô hết hẳn rồi mới đốt một lần. Nếu không mưa, thì phát dọn đến đâu, gom ngay rồi đốt. Đưa xuống dưới đống thảm cỏ vừa phát, gom xong, còn ẩm, 1 ít cỏ khô làm mồi gây cháy. Đám cháy không phát sinh ngọn lửa, chỉ toả khói, làm cho thông non: 1 – 5 tuổi và 6 – 8 tuổi ít bị vàng xém lá. Đốt theo băng hoặc theo đám. Đốt khoảng 2- 3 lần cho hết. Đốt lô nào gọn lô ấy.

Lúc đầu, có thể đốt vào ban ngày, sau lui dần về chiều tối, nửa đêm hay gần sáng, tránh những thời điểm giữa trưa có nắng . Trước khi đốt phải thử, nếu an toàn mới tiến hành. Đang đốt nếu có gió to, lửa bốc cao ngang cây thông, cháy lan nhanh, thì phải dập tắt ngay, lùi giờ đốt lại thời điểm an toàn.
Đốt xung quanh lô trước để tạo băng trắng ngăn cách, rồi đốt dần vào phía trong. Đốt trên đỉnh dốc trước rồi xuống dần phía dưới. Châm lửa đốt ngược theo chiều gió. Thường xuyên kiểm tra phát hiện vật liệu cháy đốt còn sót, kịp thời xử lý vào chiều tối hay nửa đêm. Trước khi ra về phải kiểm tra, làm tắt hẳn các đống lửa đốt.


1.1.7. Chu kỳ đốt:
Ở rừng non thảm cỏ dầy rậm, năm nào cũng đốt trước.
Khi rừng gần khép tán, thảm cỏ thưa dần, cây bụi lá rộng xuất hiện thì chu kỳ đốt thưa dần, 2-3 năm đốt một lần. Rừng tự nhiên lớn nếu mọc dầy thì 3-4 năm đốt lá thông khô rụng một lần. Nếu rừng thưa, thảm cỏ dầy rậm, gần rừng non thì năm nào cũng phải đốt trước. Không đốt toàn diện bề mặt, mà đốt luân kỳ theo dải.


1.1.8. Tổ chức lao động:
Trước khi thực hiện biện pháp đốt trước phải thử nghiệm, rồi tập huấn kỹ càng. Chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ gây ra cháy rừng. Biên chế lao động theo tổ. Mỗi tổ ít nhất có 3 người, làm chung 2 công việc vừa phát gom thảm cỏ, vừa đốt dọn vật liệu cháy, và hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra.


Kết quả về công tác phòng cháy rừng:

Sau 10 năm (1996-2006), Lâm Đồng thực hiện biện pháp đốt trước:

1.2.1. Diện tích rừng thiệt hại do bị cháy (chủ yếu là rừng trồng), từ 1990-1995: bình quân 400 – 600 ha/năm, 1996-2006 giảm xuống còn 10-20 ha/năm.
Diện tích rừng thông trồng toàn Tỉnh, từ năm 1979-1995 có: 20.000ha, từ 1996 – 2007 trồng thêm: 30.000ha. Hình thành nhiều khu vực rừng trồng tập trung lớn ở các huyện: Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đơn Dương, Đà Lạt.


1.2.2. Toàn bộ rừng đốt trước để phòng cháy, tỷ lệ thông non bị xém lá không đáng kể. Đầu mùa mưa, thảm cỏ đã phủ xanh trở lại, thông sinh trưởng tốt. Nhiều diện tích thông nuôi dưỡng, cây bụi lá rộng xuất hiện thay thế thảm cỏ.

Phong cảnh tự nhiên ở những điểm cảnh quan du lịch vẫn được giữ gìn đẹp. Trong tháng 2, 3, 4, 5 hàng trăm ngàn khách du lịch đến các điểm danh thắng liền kề rừng thông nhưng không ảnh hưởng tới công tác phòng cháy rừng.

1.2.3. Phòng cháy theo giải pháp truyền thống trước đây, năm nào thời tiết khô hạn kéo dài, ở thời điểm khô nóng, lực lượng tuần tra canh gác, thường trực chữa cháy rất vất vả và luôn trong tình trạng căng thẳng. Năm nào mùa mưa đến sớm hơn lực lượng tuần tra canh gác, thường trực chữa cháy đỡ vất vả nhưng không được buông lơi và vẫn bị động trong công việc.

Thực hiện biện pháp đốt trước, ở thời điểm khô lạnh, công việc rất khẩn trương, khi bước vào thời điểm khô nóng, các công việc phòng cháy rừng truyền thống vẫn phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Nhưng vì thảm cỏ đã được đốt dọn giảm đáng kể trong thời điểm khô lạnh, nên đến thời điểm khô nóng, tháng 2, 3, 4 những đám cháy lớn xuất hiện ít đi, các vụ cháy xảy ra được giập tắt kịp thời; chi phí phòng cháy chữa cháy đầu tư cho đường ranh, chòi canh, tuần tra, canh gác, chữa cháy … đã giảm đi đáng kể; Công việc phòng cháy rừng không bị động về sự bất thường của thời tiết.

1.2.4. Biện pháp đốt trước chủ yếu sử dụng lao động thủ công với những dụng cụ cầm tay thông thường. Người lao động phổ thông được hướng dẫn cụ thể dễ tiếp thu và không khó khăn khi thực hiện.

1.2.5. Trong các hội nghị tổng kết công tác phòng cháy rừng những năm gần đây, đơn vị chủ rừng nào làm chưa tốt, còn để xảy ra cháy rừng non, không còn đưa ra những lý do như trước: đầu tư, trang bị phòng cháy thiếu thốn và thô sơ, tình trạng đốt nương làm rẫy không kiểm soát được..… Các đại biểu đều bàn luận tập trung ý kiến đóng góp để công tác phòng cháy tốt hơn.

1.2.6. Năm 1996, khi toàn tỉnh Lâm Đồng bắt đầu thực hiện việc đốt trước chỉ có 3/30 đơn vị làm tốt; năm 1998 có 10/30 đơn vị làm tốt; năm 2001 có 20/30 đơn vị làm tốt, 10 đơn vị làm đạt yêu cầu. Thời kỳ đầu nhiều ý kiến trong, ngoài ngành không tán thành thực hiện biện pháp đốt trước nhưng nhiều năm nay đã nhận được sự ủng hộ của các ban ngành trong Tỉnh.

1.2.7. Từ mùa khô 2001-2002, công việc đốt dọn vật liệu cháy ở rừng thông non giai đoạn chăm sóc và nuôi dưỡng được đưa vào kế hoạch lâm sinh, chuyển từ Chi cục Kiểm lâm xang Chi cục Lâm nghiệp đảm nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện.

1.2.8. Ngoài kết quả bước đầu đạt được trong việc sử dụng lửa để chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh và phòng cháy rừng thông, keo, chúng tôi cũng đã thử nghiệm có kết qủa trong việc sử dụng lửa để xúc tiến tái sinh tự nhiên và phòng trừ sâu bênh hại rừng thông.

2/ Đốt trước có ảnh hưởng tới cấu trúc của rừng thông không?

2.1. Cấu trúc hỗn giao của rừng thông:
– Rừng thông tự nhiên có cấu trúc hỗn giao 2 tầng: trên thông 3 lá, dưới kháo giẻ, hay trên thông 2 lá, dưới dầu trà beng, thảm cỏ thưa thớt, thông sinh trưởng tốt, môi trường bền vững, ít nguy cơ xảy ra cháy.


Trên thực tế, ta thường thấy: Ở rừng thông trồng thuần loại có đất hạng tốt, thảm cỏ dầy rậm, được đốt dọn vật liệu cháy và tỉa thưa kịp thời (độ tàn che khoảng 0,4-0,5), khoảng từ năm thứ 5,6 trở đi đều xuất hiện thảm cây bụi lá rộng.

Sau khi thảm cỏ được đốt dọn thì dương xỉ thường xuất hiện trước, rồi dần dần mới xen cây bụi lá rộng. Vài năm sau cây bụi lá rộng mới chiếm ưu thế.

– Ơ rừng thông trồng thuần loại có đất hạng tốt, thảm cỏ dầy rậm, được đốt dọn vật liệu cháy nhưng không tỉa thưa kịp thời (độ đầy 0,7-0,8) thì không xuất hiện thảm cây bụi lá rộng.

– Ơ rừng thông trồng thuần loại trên đất hạng xấu dù độ tàn che chỉ có 0,4-0,5, thảm cây bụi lá rộng cũng không có hoặc ít xuất hiện.

– Rừng thông trồng hay rừng thông tự nhiên có thảm cây bụi lá rộng, ở tuổi trung niên trở lên mà không ngăn cản được sự chặt phá cây lá rộng làm chất đốt, và cháy rừng xẩy ra nhiều năm, hoặc đốt trước không đúng kỹ thuật, đất sẽ bị thoái hoá, xuống cấp dần, thảm cỏ thay thế dần thảm cây bụi lá rộng, hình thành kiểu rừng thông 1 tầng chỉ có thảm cỏ, nguy cơ cháy xuất hiện trở lại.


2.2. Như vậy, rừng thông trồng thuần loại, đốt trước đúng kỹ thuật, không làm ảnh hưởng xấu tới tầng đất mặt và tỉa thưa kịp thời thì thảm cây bụi lá rộng sẽ dễ xuất hiện.

III. KẾT LUẬN và ĐỀ NGHỊ :

1/ Kết luận:

Lửa là 1 nhân tố sinh thái của rừng thông. Lâm Đồng là địa phương đầu tiên sử dụng lửa đốt dọn thảm cỏ ở rừng thông non để giảm nguy cơ cháy trên quy mô rộng lớn.

Những điểm mới trong kỹ thuật đốt trước ở Lâm Đồng:

– Áp dụng biện pháp đốt trước phải được lồng ghép với hệ thống biện pháp kỹ thuật lâm sinh. Công việc đốt dọn vật liệu cháy ở rừng thông non để giảm nguy cơ cháy được đưa vào kế hoạch lâm sinh.

– Biện pháp đốt trước chủ yếu sử dụng lao động thủ công với những dụng cụ cầm tay thông thường. Người lao động phổ thông được hướng dẫn cụ thể dễ tiếp thu và không khó khăn khi thực hiện.

– Ơ rừng thông trồng thuần loại, đất hạng trung bình trở lên, đốt trước đúng kỹ thuật, không làm ảnh hưởng xấu tới tầng đất mặt và tỉa thưa kịp thời thì thảm cây bụi lá rộng sẽ dễ xuất hiện, rừng thông trồng thuần loại sẽ chuyển thành rừng thông hỗn giao kháo giẻ.
Các biện pháp PCCCR truyền thống gồm: lập hệ thống đường ranh cản lửa, chòi canh gác, tổ chức lực lượng thường trực tuần tra canh gác chữa cháy chỉ có tác dụng ở thời điểm đầu mùa khô khi cấp báo cháy dưới mức trung bình.

Việc chuyển đổi tư duy từ PCCCR truyền thống sang PCCCR theo các giải pháp Kỹ thuật lâm sinh không thể 1 sớm 1 chiều mà phải từ hiệu quả thực tế dần dần mới thuyết phục được.

2/ Đề nghị:
Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật sử dụng lửa trong rừng thông nên sớm được đưa vào chương trình nghiên cứu cho các Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp thực hiện và nội dung giảng dậy ở các Trường lâm nghiệp nước ta.

Ở khu vực cảnh quan, du lịch việc đốt dọn vận liệu cháy cần đầu tư cao hơn: phát dọn thảm cỏ xong nên cào, gom ra chỗ trống từng đống nhỏ, đốt vào chiều tối.

TS. Phó Đức Đỉnh (Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng)