Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

BVR&MT – Sáng nay, 11/7, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị bàn về các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nhằm giới thiệu các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả, cũng như điều chỉnh, thống nhất một số giải pháp mới, hiệu quả trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại các địa phương.

Theo thống kê mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), DTLCP đã được ghi nhận xảy ra tại 4.442 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy lên đến trên 3,3 triệu con.

Đây là hội nghị lần thứ 4 của Bộ NN&PTNT tổ chức để triển khai giải pháp ứng phó với DTLCP vẫn đang tiếp tục lây lan, hoành hành trên diện rộng. Đáng lưu ý, DTLCP có xu hướng tái phát trở lại ở nhiều địa phương sau một thời gian dài không ghi nhận có lợn chết vì dịch. Theo thống kê, cả nước có 106 xã thuộc 23 tỉnh, thành phố có các ổ dịch đã trải qua 30 ngày, nhưng sau đó lại phát sinh các ổ dịch mới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết chưa có loại dịch nào gây ra tác hại lớn, khó khăn trong quá trình ứng phó như DTLCP. Theo Bộ trưởng, công tác ứng phó với dịch thời gian qua vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ NN&PTNT, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhiều địa phương. Tuy nhiên, thiệt hại do DTLCP là vô cùng nặng nề, chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận là chưa có dịch, với 2,8 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người dân mà còn là gánh nặng kinh phí hỗ trợ tiêu hủy. Nguy hiểm hơn đến nay, dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tuy nhiên, qua tổng kết từ thực tiễn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học hiện là vũ khí duy nhất để giúp các hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi lớn phòng ngừa DTLCP trong thời điểm này.

Bởi theo khảo sát, dịch chủ yếu xảy ra ở các nông hộ nhỏ lẻ, quản lý, kiểm soát kém, còn đối với các sơ sở chăn nuôi công nghiệp kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào, sử dụng các chế phẩm sinh học khử trùng tiêu độc, vẫn an toàn trước dịch bệnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường an toàn sinh học hiệu quả không chỉ ứng phó với DTLCP mà áp dụng trong tất cả các loại dịch bệnh.

“Về lâu dài, chúng ta phải sống chung với dịch nên vẫn phải có kế hoạch phát triển chứ không vì dịch bệnh mà không phát triển. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu vắcxin, chế phẩm sinh học để trở thành một trong những nhân tố đảm bảo an toàn sinh học sau này” – Bộ trưởng nói.

Toàn cảnh hội nghị sáng 11/7.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, cần phải thay đổi lại tập quán chăn nuôi, bởi DTLCP xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, cần phải giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung, bởi hiện nay phần lớn vẫn là các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng chính là nguyên nhân mầm bệnh phát tán.

Hiện tỉnh Quảng Ninh chưa thực hiện việc tái đàn mà hướng dẫn người dân chuyển sang chăn nuôi các vật nuôi khác và thủy sản. Bên cạnh đó, Quảng Ninh, đang thực hiện việc di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư.

Theo đó, nhằm ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng được 821 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm; các loài gia súc khác (trâu, bò, dê, cừu, thỏ…) để bù đắp cho chăn nuôi lợn.

Thạch Thảo