BVR&MT – Chính phủ đã phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể gắn với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đề ra, tạo chuyển biển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương sáng 4/7, được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã báo cáo kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm, phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2019.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, xác định năm 2019 tăng tốc, bứt phá, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ thống nhất phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để quán triệt Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội; đã ban hành các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP với 8 nhóm giải pháp và 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và 5 nhóm giải pháp với 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh.
Thí điểm tổ chức các mô hình mới, chưa có tiền lệ
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 6 trọng tâm điều hành là: (1) Phát triển kinh tế, củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng; (2) phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; (3) tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; (4) cải cách hành chính mạnh mẽ, xây dựng chính phủ điện tử, phòng chống tham nhũng, lãng phí; (5) tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại; (6) đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng dành thời gian chỉ đạo, khảo sát, tham vấn, chuẩn bị Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và Báo cáo tình hình KT-XH 5 năm 2016 – 2020, Kế hoạch phát triển KT-XH 2021-2025, trình Bộ Chính trị và Trung ương.
Với phương châm đó, về xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, Chính phủ tập trung thể chế hóa các chủ trương của Đảng, tích cực triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Quan điểm xây dựng chính sách là bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, loại bỏ lợi ích nhóm, tháo gỡ mọi vướng mắc, tạo động lực thực sự cho đầu tư kinh doanh, phát triển.
Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng thể chế. Các phiên họp thường kỳ đều ưu tiên thời gian thảo luận chính sách pháp luật; tổ chức 1 phiên chuyên đề thảo luận sâu về các dự án luật. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, ban hành văn bản. Đã ban hành 3 nghị định để tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thêm 106 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số lên 3.451 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát việc cắt giảm thực chất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, không để phát sinh các giấy phép con.
Tiếp tục thí điểm tổ chức các mô hình mới, chưa có tiền lệ để kiểm chứng, đánh giá, hoàn thiện chính sách như: Việc nghiên cứu, xây dựng tiêu chí thành lập Trung tâm Hành chính công; thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các bệnh viện; thí điểm mở rộng quyền tự chủ của trường đại học…
Về điều hành phát triển kinh tế, xã hội, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Thủ tướng và từng thành viên Chính phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và đất nước; phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể gắn với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đề ra, tạo chuyển biển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Trong đó, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nổi bật là việc chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2019 và phương án điều hành ngay từ đầu năm, đặc biệt là những ngành có đóng góp lớn cho tăng trưởng; xác định 12 chuyên đề trọng tâm để tổ chức hội nghị do Thủ tướng trực tiếp chủ trì; thường xuyên đánh giá, cập nhật, kịp thời chỉ đạo khi có diễn biến mới; động viên, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống, quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và nâng triển vọng xếp hạng từ “ổn định” lên “tích cực”. Quy mô ngân sách tăng; mức độ minh bạch được xếp thứ 42/100 quốc gia…
Chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế và từng ngành, lĩnh vực thực chất và hiệu quả hơn, trong đó tập trung giải quyết những bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (nhất là các thủ tục tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, chi phí không chính thức,…), nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh quốc gia. Các chính sách khuyến khích, chiến lược phát triển, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã tạo động lực, phát huy tiềm năng, khơi dậy những giá trị mới.
Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia…Triển khai hiệu quả cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi nhằm bảo đảm tăng trưởng và nhu cầu thực phẩm…
Ưu tiên phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại và hội nhập. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, người dân quan tâm như: Bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ… Nhiều vấn đề xã hội đã và đang thu hút hút được sự quan tâm, hưởng ứng, chung tay của cả cộng đồng như: Hạn chế, ngăn chặn rác thải nhựa, không lái xe khi sử dụng rượu bia… Đặc biệt quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo giải quyết căn bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn nhằm ngăn chặn hậu quả xấu cho xã hội.
Tiếp tục củng cố mối quan hệ với các đối tác lớn, các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế. Báo cáo cũng nhắc tới các sự kiện lớn, nổi bật như tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ; giúp Triều Tiên và Mỹ tổ chức thành công cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2; Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ; ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu.
Nhiều nhiệm vụ thực hiện chậm
Tuy nhiên, Báo cáo của VPCP cũng nêu rõ, công tác xây dựng thể chế, hoạch định chính sách còn có những điểm yếu, chậm được khắc phục. Việc xây dựng văn bản hướng dẫn chậm, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong quản lý, điều hành, thực thi.
Việc thực hiện Quy chế làm việc và kỷ luật, kỷ cương chưa thực sự nghiêm túc. Nhiều nhiệm vụ chậm thực hiện, gây hoài nghi trong dư luận (thu phí không dừng, cơ chế sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT, công bố các thủ tục hành chính đã cắt giảm…). Còn tình trạng trình Chính phủ, Thủ tướng những công việc không thuộc thẩm quyền, không rõ chính kiến, đặc biệt là liên quan đến quy hoạch, đất đai, dự án.
Thủ tục hành chính còn chồng chéo, bất cập, gây khó khăn trong quản lý, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp. Các vướng mắc chậm được tháo gỡ, nhất là thủ tục phân bổ, triển khai đầu tư, giải ngân vốn; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch;…
Công tác quản lý, điều hành trên một số lĩnh vực chuyển biến chậm, như: Cổ phần hóa, thoái vốn; trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, tình trạng chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép; đạo đức, văn hóa, lối sống… Một số tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực được nêu tại Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm.
“Những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Người đứng đầu một số cơ quan chưa sâu sát, thiếu quyết liệt. Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu, thiếu trách nhiệm; còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Về phương hướng 6 tháng cuối năm, với ý nghĩa đặc biệt của năm 2019, các cấp, các ngành cần đổi mới tư duy, cách làm quyết liệt, tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng; các chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7, 8 (khóa XII); chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng thể chế, xử lý vướng mắc do chính sách của ngành, lĩnh vực.
Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá, mang lại hiệu quả thực chất. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không hoàn thành các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực.
Cải cách thực chất thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; gắn việc chỉ đạo, triển khai với công tác đôn đốc, kiểm tra; kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ, công chức trì trệ, thiếu trách nhiệm.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước…