BVR&MT – Hiện tượng nóng lên toàn cầu được dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng cho thị trường lao động, gây hại tới sản xuất và là nguyên nhân dẫn tới những tổn thất về mặt kinh tế và việc làm.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tình trạng gia tăng căng thẳng nhiệt thậm chí sẽ dẫn tới những tổn thất về sản xuất tương đương 80 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2030 và những tổn thất về kinh tế trị giá 2.400 tỷ USD.
Bà Catherine Saget, Trưởng Phòng Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế và là một trong những tác giả chính của báo cáo mới về các vấn đề này, tuyên bố cho biết: “Tác động của căng thẳng nhiệt đối với năng suất lao động là một hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, bên cạnh những tác động bất lợi khác như thay đổi mô hình mưa, mực nước biển dâng và mất đa dạng sinh học”.
Những dự báo này được thiết lập dựa trên sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu 1,5°C vào cuối thế kỷ này. Dự báo cho thấy đến năm 2030, 2,2% tổng số giờ làm việc trên thế giới sẽ bị mất do nhiệt độ cao. Tuy nhiên, “báo cáo cảnh báo rằng đây là một ước tính thận trọng vì nó giả định rằng sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ không vượt quá 1,5°C”.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, đây là những dự đoán cho rằng công việc trong nông nghiệp và xây dựng – hai trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của căng thẳng nhiệt – sẽ được thực hiện trong bóng râm.
Nam Á và Tây Phi chịu tác động nhiều hơn
Đối với phạm vi rộng, tác động sẽ được phân phối không đều trên toàn thế giới. Các khu vực dự kiến sẽ mất nhiều giờ làm việc nhất là Nam Á và Tây Phi, nơi có thể mất khoảng 5% số giờ làm việc vào năm 2030, tương ứng với khoảng 43 và 9 triệu việc làm.
“Ngoài các chi phí kinh tế khổng lồ liên quan đến căng thẳng do nhiệt độ, chúng ta có thể sẽ còn thấy sự bất bình đẳng gia tăng giữa các nước thu nhập cao và thu nhập thấp, và điều kiện làm việc xấu đi cho những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như dân số di cư” – bà Saget cảnh báo.
Trong số những người dễ bị tổn thương nhất, cư dân của những vùng thiếu thốn nhất sẽ chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất. Các quốc gia thu nhập thấp và các quốc gia thu nhập trung bình thấp dự kiến sẽ phải chịu đựng nhiều tổn thất, chủ yếu là do họ có ít nguồn lực hơn để thích nghi với hệ quả với hiện tượng nhiệt độ tăng. Do đó, thiệt hại kinh tế liên quan đến căng thẳng nhiệt độ sẽ kết hợp với các khuyết tật kinh tế hiện tại, đặc biệt là tỷ lệ lao động nghèo, lao động phi chính thức và dễ bị tổn thương, nông nghiệp tự cung tự cấp và thiếu bảo trợ xã hội.
Để đối mặt với thực tế mới này, theo chuyên gia của ILO, các chính phủ, người chủ sử dụng lao động và người lao động phải khẩn trương thực hiện các biện pháp thích hợp, ưu tiên bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.
Ngoài ra, lĩnh vực được dự đoán là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu là nông nghiệp. Ngành nông nghiệp sử dụng 940 triệu người trên khắp thế giới. Dự kiến sẽ chiếm 60% số giờ làm việc bị mất do căng thẳng nhiệt vào năm 2030. Ngành xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, với ước tính 19% số giờ bị mất trên toàn thế giới trong cùng thời gian.
Theo ILO, các lĩnh vực khác có nguy cơ đặc biệt là hàng hóa và dịch vụ môi trường, thu gom rác, dịch vụ khẩn cấp, công việc sửa chữa, vận chuyển, du lịch, thể thao và một số loại công nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Lao động Quốc tế kêu gọi nỗ lực đổi mới để phát triển, tài trợ và thực hiện các chính sách quốc gia với mục đích chống lại các rủi ro do căng thẳng nhiệt gây ra và bảo vệ người lao động. Điều này đòi hỏi phải tạo ra cơ sở hạ tầng đầy đủ và hệ thống cảnh báo sớm tốt hơn trong các đợt sóng nhiệt và bằng cách áp dụng tốt hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế, như trong lĩnh vực an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, phát triển các chính sách nhằm chống lại sự nguy hiểm của làn sóng nhiệt cao.