Kết quả khảo nghiệm một số loại thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ bệnh hại cây gừng gió giai đoạn vườn ươm tại trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên

Tóm tắt – Để tạo ra cây trồng có chất lượng tốt, năng suất cao thì việc chăm sóc cây con trong vườn ươm là rất quan trọng. Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về khảo nghiệm hiệu lực của một số loại thuốc hóa học trong phòng trừ bệnh hại cây Gừng gió ở các công thức khác nhau so với đối chứng.

Kết quả điều tra cho thấy, nấm Rhizoctonia solani gây bệnh thối gốc cây Gừng gió với tỷ lệ nhiễm bệnh là từ 33,33% – 36,41%, bệnh phân bố đều trên toàn khu vực gieo ươm cây Gừng gió. Mức độ gây hại của bệnh trước khi phun thuốc là từ 33,33 – 37,50% xếp ở mức độ hại rất nặng. Sau 3 lần phun thuốc, chỉ số bệnh giảm dần, chỉ còn ở mức độ hại là 6,94% (CT3) và 12,50% (CT2) xếp ở mức hại nhẹ đến hại vừa. Riêng công thức đối chứng bệnh giảm không đáng kể, mức độ hại là 31,94%, xếp ở mức hại rất nặng. Trong 4 loại thuốc trên thì thuốc Daconil (CT2) hiệu lực phòng bệnh cao nhất đạt 79,08%; có hiệu lực phòng trừ bệnh cao hơn cả đối với bệnh thối củ cây Gừng gió, thấp nhất là thuốc thảo mộc (CT4) đạt 54,77%.

1. Đặt vấn đề

Gừng gió có tên khoa học là Zingiber Zerumbert sm, còn có tên gọi khác là Riềng gió, Riềng dại, Gừng rừng, Gừng dại, Ngải xanh, Ngải mặt trời… Ngoài chức năng là gia vị phổ biến trong các món ăn, Gừng gió được dùng để tạo hương vị trong sản xuất một số sản phẩm như: Bánh, kẹo, mứt, trà… Gừng gió còn là cây thảo dược lâu đời trong y học dân gian..; tinh dầu được dùng điều trị các bệnh như: Tán phong hàn, giảm đau, chữa trúng gió, đau bụng, đau nhức sưng tấy, kích thích tiêu hóa, trị đau nhức khớp chậu,… Do vậy việc tạo giống cây Gừng gió có chất lượng tốt phục vụ cho công tác trồng và phát triển nó trong giai đoạn vườn ươm là hết sức cần thiết bởi vì đã có nhiều dịch bệnh xảy ra, làm cây con sinh trưởng kém thậm chí chết, gây thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu: “Khảo nghiệm một số loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong phòng trừ bệnh hại cây Gừng gió (Zingiber Zerumbert sm) trong giai đoạn vườn ươm Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên” .

2. Địa điểm, nội dung, vật liệu và phương pháp nghiên cứu

a. Địa điểm, thời gian và điều kiện nghiên cứu

Địa điểm nghiên cứu: Vườn ươm Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Thành phố Thái Nguyên.

Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 02-11/2017.

Điều kiện nghiên cứu: Các điều kiện nghiên cứu đồng nhất: Cây Gừng gió gieo ươm trong bầu Polietylen, theo dõi từ khi bắt đầu gieo ươm, gieo cùng thời điểm, thành phần hỗn hợp ruột bầu là 85% đất tầng A; 10% phân chuồng hoai và 5% phân NPK, che bóng cùng chế độ 50%.

b. Nội dung

Điều tra tình hình bệnh thối gốc ở cây Gừng gió; thử nghiệm hiệu lực một số loại thuốc hóa học trong phòng trừ bệnh: Đánh giá mức độ hại bệnh thối gốc trước và sau mỗi lần sử dụng thuốc và tìm ra loại thuốc có hiệu lực phòng trừ cao nhất; đề xuất một số biện pháp phòng trừ bệnh.

c. Đối tượng, dụng cụ, vật liệu và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Bệnh thối gốc hại cây Gừng gió (Zingiber Zerumbert sm) trong giai đoạn vườn ươm Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Thuốc BVTV: (bảng 1)

Bảng 1. Tên thuốc và hoạt chất các loại thuốc và nồng độ sử dụng.

Dụng cụ và vật liệu nghiên cứu: Dụng cụ cần thiết để tiến hành thí nghiệm: Bình phun, các loại thuốc khảo nghiệm, thước dây, sổ ghi chép và bảng, xô chậu và các dụng cụ cần thiết khác.

Phương pháp nghiên cứu:

Bố trí thí nghiệm:

Phương pháp điều tra tình hình phân bố bệnh hại cây Gừng gió trong giai đoạn vườn ươm: Trên mỗi luống gieo tiến hành lập 3 ô dạng bản, có diện tích là 1m2, 1 ô đặt ở đầu luống, 1 ô giữa luống và 1 ô ở cuối luống. Trong ô dạng bản điều tra tất cả các cây, ghi chép vào bảng biểu số cây sống và cây chết do bệnh thối củ.

Đánh giá tình hình phân bố bệnh cây theo công thức:

Phương pháp đánh giá hiệu quả của của thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ nấm gây bệnh thối gốc, trên cây Gừng gió: Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp điều tra sâu bệnh hại rừng của Trần Công Loanh và Nguyễn Thế Nhã, Trần Văn Mão (2001) [1].

Đề tài khảo nghiệm 5 công thức thí nghiệm với 4 loại thuốc hóa học và 1 công thức đối chứng không phun thuốc. Mỗi công thức thí nghiệm được bố trí ở một ô dạng bản (O.D.B) khác nhau trên các luống với 3 lần nhắc lại (diện tích mỗi O.D.B = 1m2). Tiến hành điều tra tỷ mỷ đánh giá tình hình phân bố bệnh cây; đánh giá mức độ bệnh hại trên các ODB trước và sau mỗi lần sử dụng thuốc; mỗi lần phun thuốc cách nhau 10 ngày. Tất cả các số liệu điều tra được ghi vào các mẫu bảng tương ứng đã chuẩn bị sẵn [2].

Cách sử dụng thuốc: Dựa vào sự lan truyền của nấm gây bệnh nên dùng phương pháp phun thuốc ở thể lỏng trực tiếp trên toàn bộ các công thức thí nghiệm. Các loại thuốc này pha xong phun ngay, sau khi sử dụng thuốc lần 1 thấy bệnh chưa dừng hẳn tiếp tục phun thuốc lần 2 và lần 3 cho đến khi bệnh dừng hẳn [1].

Để đánh giá hiệu lực của 4 loại thuốc đến bệnh thối gốc cây Gừng gió trong giai đoạn vườn ươm có rõ rệt hay không, tiến hành phân tích phương sai một nhân tố sử dụng phần mềm Excell 7.0. Nếu Ftính < F0.05 thì kết luận giữa các công thức thí nghiệm không có sự sai khác. Nếu Ftính > F0.05 thì kết luận chứng tỏ việc sử dụng các loại thuốc khác nhau ở các công thức thí nghiệm khác nhau là có ý nghĩa. Khi đó cần lựa chọn công thức có kết quả cao nhất để đưa vào trong ứng dụng sản xuất [3].

Tính hiệu lực của thuốc:

Để tính hiệu lực của thuốc mỗi lần phun áp dụng công thức:

3. Kết quả nghiên cứu

a. Đánh giá tình hình phân bố bệnh cây trước khi khảo nghiệm thuốc phòng trừ

Qua theo dõi biểu hiện triệu chứng của bệnh đã được mô tả và kết quả điều tra thực tế bệnh đối chiếu với khóa phân loại nấm, bước đầu xác định bệnh thối gốc cây Gừng gió tại vườn ươm – Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên do nấm Rhizoctonia solani thuộc chi Rhizoctonia; Lớp: nấm tiếp hợp: Zygomycetes; Ngành phụ nấm tiếp hợp: Zygomycotina. Kết quả điều tra tình hình phân bố bệnh cây được trình bày ở bảng 2.

Bảng 2. Kết quả điều tra bệnh thối gốc cây Gừng gió tại vườn ươm (1 tháng tuổi).

Qua quá trình nghiên cứu theo dõi tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình ở các khu gieo ươm khi điều tra ngẫu nhiên 3 luống cho thấy, tình hình phân bố bệnh cây đã ở mức phân bố đều cụ thể: Mức độ hại đối với bệnh thối gốc trung bình là 34,75%. Nguyên nhân: Bệnh thối gốc do nấm Rhizoctoniasolani gây ra.

b. Đánh giá mức độ hại bệnh thối gốc cây Gừng gió trước và sau mỗi lần sử dụng thuốc và tìm ra loại thuốc có hiệu lực phòng trừ cao nhất.

Đánh giá mức độ hại bệnh thối gốc cây Gừng gió trước và sau mỗi lần sử dụng thuốc: (xem bảng 2):

Bảng 3. Mức độ hại của bệnh thối củ cây Gừng gió trước khi sử dụng thuốc.

Kết quả bảng 2 cho thấy, tỷ lệ hại ở các công thức trung bình từ 33,33 – 37,50% nhìn chung ở tất cả các ô thí nghiệm điều tra cây Gừng gió đều bị bệnh thối gốc ở mức độ hại rất nặng, do tại thời điểm này trời âm u, ít nắng, ẩm độ không khí khá cao, mưa nhiều nên đây là thời điểm thuận lợi cho nấm lây lan và sinh trưởng phát triển. Sau khi đã điều tra xong và tính toán mức độ gây hại tiến hành phun thuốc để khảo nghiệm hiệu lực của 4 loại thuốc trên các công thức thí nghiệm. Bệnh thối gốc cây Gừng gió tại vườn ươm trường Đại học Nông Lâm được thể hiện qua hình 1:

Hình 1. Hình ảnh cây Gừng gió bị thối gốc.
Bảng 4. Mức độ hại của bệnh thối gốc cây Gừng gió trước và sau mỗi lần phun thuốc.

Kết quả bảng 4 cho thấy, trên các công thức thí nghiệm sau lần phun thuốc thứ 3 bệnh đã giảm khá nhiều, chỉ còn xếp ở mức hại vừa và hại nhẹ, mức độ hại là 6,94% (CT2) và 12,50% (CT1). Riêng công thức đối chứng bệnh giảm không đáng kể, mức độ hại vẫn còn 31,94%, vẫn xếp ở mức hại rất nặng. Sau phun thuốc lần 3 bệnh đã giảm hẳn và lúc này đã thời tiết đã bắt đầu nắng ấm dần, bệnh giảm dần tự nhiên, ít còn khả năng gây hại, nên không phun tiếp mà chỉ theo dõi sự chuyển biến của bệnh.

Để đánh giá hiệu lực của 4 loại thuốc đến bệnh thối gốc có khác nhau hay không, tiến hành phân tích phương sai một nhân tố ở lần điều tra cuối cùng (sau khi sử dụng thuốc lần thứ 3) làm kết quả đánh giá chung cho toàn thí nghiệm.

Bảng 5. Kiểm tra sự sai khác giữa các công thức thí nghiệm.

Kết quả phân tích phương sai một nhân tố trên phần mềm Excel cho thấy: Ftính = 376,61; F0.05 = 3,48. Như vậy Ftính  > F0.05 kết luận việc sử dụng thuốc có ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát sinh, phát triển của bệnh.

So sánh hiệu lực của thuốc và tìm ra loại thuốc có hiệu quả nhất:

Hiệu lực của thuốc ở các công thức thí nghiệm so với đối chứng kết quả. So sánh hiệu lực của các loại thuốc sau 3 lần sử dụng thuốc được thể hiện qua bảng 3.5.

Bảng 6. So sánh hiệu lực của thuốc sau 3 lần phun.

Các loại thuốc hóa học có hiệu quả phòng trừ bệnh thối gốc cây Gừng gió cao hơn so với công thức đối chứng (không phun). Trong các loại thuốc hóa học, hiệu lực phòng trừ bệnh thối gốc cây Gừng gió của thuốc Daconil (CT2) cao nhất đạt 79,08%; tiếp đến là thuốc Đồng đỏ (CT1) đạt 60,86%; hiệu lực của thuốc Viben 50 BTN (CT3) đạt 54,95% và thấp nhất là thuốc sinh học (CT4) đạt 54,77%).

c. Đề xuất một số biện pháp phòng trừ

Trong thời gian nghiên cứu cho thấy, bệnh thối củ cây Gừng gió do nấm Rhizoctonia solani gây nên, phát sinh, phát triển liên quan chặt chẽ với điều kiện thời tiết. Mầm bệnh có khả năng tồn tại trong xác cây bệnh và trong đất, lây lan chủ yếu nhờ nước, nhờ gió. Do vậy phải thường xuyên vệ sinh vườn ươm, xử lý tàn dư cây trồng sau khi xuất vườn.

Xử lý đất bằng thuốc hóa học loại bột lưu huỳnh không thấm nước với liều lượng 2-3 kg/sào Bắc bộ để diệt bào tử nấm trong đất [5].

Khi cây bị hại nặng hoặc bệnh thối gốc có nguy cơ phát dịch thì sử dụng thuốc hóa học để phun, nên sử dụng thuốc Daconil (CT2) cao nhất đạt 79,08%; hoặc thuốc Đồng đỏ (CT1) đạt 60,86% có hiệu lực phòng trừ bệnh thối gốc cây Gừng gió ở vườn ươm như kết quả đã khảo nghiệm.

4. Kết luận

Tại thời điểm nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm bệnh thối gốc là từ 33,33% – 36,41%, bệnh phân bố đều trên toàn khu vực gieo ươm cây Gừng gió.

Mức độ hại của bệnh trước khi phun thuốc là từ 33,33 – 37,50% xếp ở mức độ hại rất nặng. Sau 3 lần phun thuốc, chỉ số bệnh giảm dần, chỉ còn ở mức độ hại là 6,94% (CT3) và 12,50% (CT2), tức là xếp ở mức từ nhẹ đến hại vừa. Riêng công thức đối chứng bệnh giảm không đáng kể, mức độ hại vẫn còn 31,94% xếp ở mức hại rất nặng.

Trong 4 loại thuốc trên thì thuốc Daconil (CT2) có hiệu lực đạt 79,08% là thuốc có hiệu lực phòng trừ bệnh cao hơn cả đối với bệnh thối gốc cây Gừng gió, thấp nhất là thuốc sinh học (CT4) đạt 54,77%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm thị Diệu, Đặng Kim Tuyến (2012). “Kết quả khảo nghiệm hiệu lực một số loại thuốc hóa học trong phòng trừ bệnh đốm nâu lá Keo tại vườn ươm trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên” Đại học Thái Nguyên. Tạp chí khoa học và công nghệ – Chuyên san Nông – Sinh – Y, Tập 101, Số 1 năm 2013 (trang 35-38).2. Nguyễn Thế Nhã, Trần Công Loanh, Trần Văn Mão (2001). “Phương pháp điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh trong Lâm nghiệp”. Nxb Nông nghiệp – Hà Nội3. Nguyễn Hải Tuất, Ngô Kim Khôi (1996). “Xử lý thống kê kết quả nghiên cứu thực nghiệm trong Nông Lâm nghiệp trên máy vi tính”. Nxb Nông nghiệp Hà Nội.4. Đặng Kim Tuyến (2008). Kết quả khảo nghiệm hiệu lực của một số loại thuốc hóa học trong phòng trừ bệnh gỉ sắt lá keo Keo tai tượng tại Thái Nguyên. Đại học Thái Nguyên. Tạp chí khoa học và công nghệ 2/2008 (trang 119-125).5. Đặng Kim Tuyến (2015). “Bệnh cây rừng” Bài giảng dùng cho sinh viên chuyên ngành Lâm nghiệp. Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.


Phạm Thị Diệu
(Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) – Đặng Kim Tuyến – Lê Sỹ Hồng

Người phản biện: PGS. TS. Nguyễn Thế Hưng
Ngày nhận bài: Tháng 4/2018
Ngày phản biện thông qua: Tháng 4/2018
Ngày duyệt đăng: Tháng 7/2019