Thanh Hóa: Khôi phục và phát triển bền vững nghề sản xuất Cánh kiến đỏ cho đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát.

BVR&MT – Nghề sản xuất nhựa cánh kiến khá phổ biến ở nhiều nước, tại Việt Nam nghề này đã từng phát triển tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và được xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên đã bị mai một dần vào cuối những năm 70 thế kỷ trước do không còn thị trường tiêu thụ sản phẩm sau khi khối Đông Âu tan rã. Do đó, việc khôi phục và phát triển bền vững nghề sản xuất Cánh kiến đỏ là điều cần thiết.

Khôi phục và phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ cho đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát được đánh giá có tính khả thi.

I. ĐẶC ĐIỂM VÙNG DỰ ÁN – VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP

Huyện Mường Lát đã từng là nơi trồng rừng cây Cọ phèn (một trong những cây chủ để thả Cánh kiến đỏ lấy nhựa) diện tích lên tới hơn 1000 ha, là nơi có sản lượng nhựa cánh kiến cao nhất cả nước, nhưng đến năm 2007 (năm bắt đầu triển khai Dự án) chỉ còn khoảng 100 hộ dân rải rác ở 6/7 xã của huyện lưu giữ nghề này. Đây là một huyện vùng cao, nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa với 98 % là đồng bào dân tộc ít người; xa trung tâm, cơ sở hạ tầng kém, khí hậu khắc nghiệt, nhất là mùa hè với gió Lào khô nóng. Dự án do UNDP/GEF SGP tài trợ nhằm khôi phục và phát triển nghề nuôi thả Cánh kiến đỏ lấy nhựa, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân trên cơ sở bảo vệ hệ sinh thái rừng, tăng cường độ che phủ, hạn chế bị hoang mạc hóa, thoái hóa đất.

Giải pháp tác động

Nâng cao hiểu biết của người dân về giá trị sinh học và kinh tế của việc bảo tồn nguồn gen Cánh kiến đỏ và hệ sinh thái rừng ở vùng cao Mường Lát; ích lợi và điều kiện phù hợp để phát triển nghề nuôi thả cánh kiến lấy nhựa.

Khảo sát thực trạng, xác định tập đoàn cây chủ thích hợp cho Cánh kiến đỏ ký sinh phát triển.

Áp dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống xây dựng nội dung hướng dẫn cộng đồng khôi phục và phát triển nghề sản xuất nhựa cánh kiến.

Xúc tiến thương mại hóa sản phẩm cánh kiến đỏ, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào nghèo ở địa phương

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Tác động đối với môi trường

1.1. Bảo tồn nguồn gen bản địa, hệ sinh thái tự nhiên:

a. Qua điều tra khảo sát dự án đã khẳng định tiềm năng nuôi thả rệp Cánh kiến đỏ ở huyện Mường Lát: Ở đây có điều kiện tự nhiên thích hợp, có tập đoàn cây chủ phong phú, đất đai rộng, chủ yếu là nương rẫy thuận lợi cho việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với trồng cây chủ thả Cánh kiến đỏ lấy nhựa:

* Từ tập đoàn phong phú cây chủ thích hợp cho Cánh kiến đỏ ký sinh, DA đã lựa chọn: Cây chủ lâu năm: Cọ phèn, cọ khiết. Cây chủ ngắn ngày: Đậu thiều (có thể trồng thuần hoặc trồng xen với cây lương thực).

* Kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của cộng đồng xác định mùa vụ gây thả Cánh kiến : Vụ hè từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 (15 ngày); vụ đông từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 (15-20 ngày).

* Thực hiện giữ giống rệp Cánh kiến qua đông, bảo tồn nguồn gen và chủ động nguồn giống trên cây Đậu thiều: Vào mùa đông nếu trời quá lạnh rệp có thể chết, mất mùa, cây Đậu thiều thấp, gần đất đỡ lạnh hơn nên phù hợp giữ giống qua đông.

Với những kết quả nêu trên nguồn gen rệp Cánh kiến đỏ được bảo vệ lưu giữ, thích nghi, sinh trưởng tốt trên những cây chủ thích hợp nhất. Cây chủ và vật ký sinh được bảo tồn tốt nhất trong hệ sinh thái hài hòa, bền vững của vùng núi đồi Mường Lát.

2. Khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững đối tượng được bảo tồn:

Sau 6 năm triển khai, dự án đã đạt được những thành công:

a. Trồng mới 220ha rừng cây chủ (cây Đậu thiều) trên những vùng đất cằn cỗi, giúp đất rừng có độ dinh dưỡng cao nhờ tăng độ che phủ và khả năng cải tạo đất của cây Đậu thiều; cải tạo 60ha rừng cây chủ lâu năm, lựa chọn được 40 ha cây chủ phân tán, du nhập và trồng mới 30 ha cây chủ khác (cây Cọ khiết), tạo nên sự đa dạng hóa cây chủ, có giá trị kinh tế, xã hội, môi trường.

b. Triển khai 16 vụ sản xuất trên các mô hình nuôi Cánh kiến đỏ:

* Mô hình giữ giống rệp cánh kiến qua đông trên cây Đậu thiều và cây Cọ khiết: với 16 lần thả, dự án chỉ phải mua giống 2 vụ đầu từ ngoài vùng dự án, còn lại trong 14 lần thả đã cung ứng hơn 16 tấn giống cho cộng đồng.

* Biên soạn và phổ cập trong cộng đồng Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi thả Cánh kiến đỏ.

c. Việc nuôi thả Cánh kiến đỏ lấy nhựa được phát triển trên diện tích rộng với sự tham gia của đông đảo cộng đồng gồm 900 hộ dân đã mở ra một giai đoạn mới của nghề truyền thống đã bị mai một.

Như vậy Dự án đã dựa vào điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của rệp Cánh kiến đỏ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương: Trồng mới rừng cây Đậu thiều, cây Cọ khiết trên những vùng đất trống, đồi trọc, vùng nguy cơ bị hoang mạc hoá, vừa làm cây chủ nuôi thả Cánh kiến đỏ, vừa cải tạo đất, tăng độ phì, giảm sự xói mòn; Dự án còn sử dụng cây phân tán trong rừng nghèo kiệt để nuôi thả kiến, làm tăng độ che phủ rừng, làm cho rừng trở nên giàu hơn. Nhờ đó rừng đầu nguồn được bảo vệ, hệ sinh thái rừng phục hồi, đa dạng sinh học được tăng cường, tỉ lệ che phủ rừng đạt 49-52%, giảm thiểu sự phát thải CO2, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ của mặt đất, giảm thiểu nguy cơ thoái hóa, hoang mạc hóa đất, hạn chế được lũ ống, lũ quét, hạn hán mà những năm trước đó thường xuyên xảy ra…

II. Tác động đối với phương diện xã hội.

1. Với 40 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thả Cánh kiến đỏ; 10 cuộc hội thảo về kết hợp kinh nghiệm truyền thống với kỹ thuật chọn giống, luân canh, phòng trừ sâu bệnh cho kiến và các cây chủ; tập huấn kỹ năng tiếp cận thị trường, kinh doanh nhựa cánh kiến với >2500 lượt người tham gia (trong đó có 40% phụ nữ), dự án đã:

– Thành lập mạng lưới khuyến lâm của hội phụ nữ làng, xã ; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, dân chủ bàn bạc thống nhất gìn giữ rừng, tăng cường sinh kế, thu nhập từ rừng.

– Phát triển các nhóm sở thích, các tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh sản phẩm Cánh kiến đỏ. Đào tạo phương pháp tự chủ xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; phương pháp kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính, tự hạch toán kinh doanh theo mô hình “lớp học của nông dân”, “lớp học của phụ nữ”, tạo ra được nhân sự nòng cốt để lãnh đạo chị em xây dựng tổ hợp tác phát triển bền vững.

– Xây dựng các nhóm sở thích tại các thôn bản cùng giúp nhau trong các kỹ thuật nuôi thả kiến cũng như xây dựng mô hình.

– Thành lập được 1 tổ hợp tác dịch vụ kỹ thuật và thương mại Cánh kiến đỏ; xây dựng chính sách sản xuất, dịch vụ và thương mại cho Tổ hợp tác được chính quyền huyện phê duyệt. Đào tạo được 5 cán bộ khuyến nông thôn bản nắm vững tốt kỹ thuật nuôi thả Cánh kiến đỏ tiên tiến.

2. Các hoạt động của dự án đã nâng cao được hiểu biết và năng lực của chính quyền địa phương huyện Mường Lát, xã Tam Chung và thị trấn Mường Lát cùng các ban, ngành có liên quan và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn về việc khôi phục và phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, mở rộng quy mô sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu vùng xa của huyện.

3. Thị trường sản phẩm Cánh kiến đỏ được phát triển không những trong cả nước mà còn xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Nghề nuôi thả Cánh kiến đỏ được khôi phục và từng bước phát triển trên toàn huyện. Nhờ đó tạo công ăn, việc làm cho người dân, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội nói chung của cả huyện.

4. Dự án phối hợp với UBND huyện quy hoạch vùng thâm canh Cánh kiến đỏ tại xã Quang Chiểu quy mô 530 hecta, làm điểm nhân rộng toàn huyện và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi thả Cánh kiến đỏ trong những năm tới ở địa phương.

III. Tác động đối với phát triển kinh tế.

Người dân đã mở rộng vườn rừng, trồng các loại cây nuôi thả kiến, kết hợp cây ngắn ngày với cây lâu năm, xen canh sản xuất nông nghiệp với nuôi thả Cánh kiến đỏ. Số hộ tham gia sản xuất Cánh kiến đỏ lên 900 hộ trên toàn huyện.

Dự án cung cấp 16 tấn giống Cánh kiến đỏ chất lượng cao cho nông dân. Ngoài ra còn lưu giữ trong dân hàng chục tấn giống. Với 16 vụ thả kiến, năng suất bình quân thu được từ 4- 6 lần lượng giống thả trên cọ phèn; và 8-10 lần lượng giống thả trên Đậu thiều và Cọ khiết. Sản lượng sặng Cánh kiến đỏ thu được lên đến 70-80 tấn/năm, đảm bảo các hộ nâng cao thu nhập từ vườn rừng lên tới 90-160 triệu VNĐ/ha, nhiều hộ thoát khỏi đói nghèo.

Việc thành lập và hoạt động có hiệu quả các nhóm sở thích đã thu hút được rất nhiều hộ tham gia, góp phần hình thành 1 hợp tác xã dịch vụ KT và thu mua Cánh kiến đỏ tại huyện do phụ nữ làm chủ, là tổ chức do cộng đồng quản lý đầu tiên ở vùng cao Thanh Hóa, tạo giá trị phúc lợi cao và bền vững.

TÍNH BỀN VỮNG CỦA DỰ ÁN.

Các mô hình của dự án đã thành công, có hiệu quả kinh tế xã hội rõ ràng nên đã thu hút sự quan tâm của chính quyền, của cộng đồng trong tỉnh, của các tổ chức quốc tế, Bộ Khoa học và công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, các doanh nghiệp.

Kết quả của dự án đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như chuyên mục Khuyến lâm, Miền Tây trên đường đổi mới của Đài truyền hình Thanh Hóa, trên các Báo: VietNamnews, Website của UNDP, báo Khoa học và Đời sống, Nông nghiệp Việt Nam, Bản tin thông tấn xã Việt Nam, Báo Thanh Hóa, Đặc sản khoa học Thanh Hóa…

Kết quả Dự án là cơ sở để vận động chính sách: Chính quyền đã đưa việc phát triển nghề nuôi thả Cánh kiến đỏ vào chương trình phát triển kinh tế xã hội của huyện; UBND tỉnh đưa cây Cọ khiết vào cơ cấu trồng cây lâm nghiệp để nuôi thả Cánh kiến đỏ trong thời gian từ năm 2011-2020; là tiêu chí tham gia xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam về nuôi thả Cánh kiến đỏ do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT soạn thảo.

Kết quả Dự án có tác động kêu gọi thêm được nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế cho triển khai các dự án liên quan phát triển nghề Cánh kiến đỏ và năng lực cộng đồng: Dự án của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; Dự án do tổ chức CARE quốc tế tài trợ; Dự án của Đại sứ quán Đan Mạch với kinh phí tài trợ lên đến 6,9 tỷ VNĐ cho Công ty Đài Việt trong việc chế biến sản phẩm sặng kiến tại cộng đồng và xây dựng nhà máy sản xuất túi ni lông tự hủy bảo vệ môi trường bằng nguyên liệu Cánh kiến đỏ; 2 Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước được triển khai về mô hình nuôi thả Cánh kiến đỏ trên Cọ khiết và nghiên cứu kỹ thuật giữ giống Cánh kiến đỏ ở Mường Lát.

Các mô hình của Dự án được cộng đồng các địa phương trong toàn huyện (9/9 xã và thị trấn) nhân rộng và tổ chức sản xuất. Mô hình còn được nhân rộng ra các địa phương ngoài huyện Mường Lát, như Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa. Sở KHCN tỉnh Nghệ An, Sơn La đến tận Mường Lát chia sẻ kinh nghiệm và triển khai nhân rộng tại 2 tỉnh.

E. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

I. Những yếu tố cơ bản đã giúp dự án thành công:

Xác định đúng nhu cầu của cộng đồng, áp dụng các phương pháp tiếp cận lấy người dân làm trọng tâm và công bằng trong việc chia sẻ nguồn hỗ trợ của Dự án giữa các nhóm cộng đồng hưởng lợi đã khuyến khích sự tham gia của người dân, cộng đồng và chính quyền địa phương các cấp.

Lắng nghe ý kiến của cộng đồng và phát huy hết khả năng của những nông dân có kinh nghiệm và cán bộ thôn bản sẽ giúp cho dự án có nhiều cơ hội tiếp cận rộng rãi và truyền tải kinh nghiệm lẫn kỹ thuật cho cộng đồng.

Việc lựa chọn hộ tham gia dự án phải lấy lợi ích của cộng đồng trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của xã hội để làm việc một cách có hiệu quả.

Luôn luôn tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của chính quyền các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện dự án.

Trong quản lý và điều hành dự án, cần thống nhất chủ trương, tính xác thực trong kế hoạch hoạt động, bám sát tiêu chí của dự án đề ra.

Trong quá trình thực hiện dự án ngoài việc thực hiện đúng và đầy đủ các quy định trong quản lý dự án của GEF SGP tạo được sự đồng thuận giữa các thành viên tham gia dự án là yếu tố rất cơ bản để dự án thực hiện đúng tiến độ.

II. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

Không thành công trong việc xây dựng mô hình nuôi thả Cánh kiến đỏ trên cây chủ Cọ páu tái sinh. Nguyên nhân có thể do tán lá rộng, thiếu độ thông thoáng bảo đảm cho sự sinh trưởng và phát triển của rệp cánh kiến.

Không thành công mô hình thả Cánh kiến đỏ trên cây chủ cọ phèn trồng tập trung đã trên 20 năm tuổi. Nguyên nhân cây chủ Cọ phén trồng tập trung đã già cỗi, bị sâu bệnh, ảnh hưởng đến quá trình định cư của rệp cánh kiến.

Chưa duy trì được năng suất đồng đều của các vụ trong thời gian 3 năm đầu và năng suất chưa đạt cao. Nguyên nhân vì không đủ điều kiện nghiên cứu kỹ thuật giữ giống, chưa tạo được nguồn giống ổn định để cung cấp cho người dân.

Nguyễn Thị Thu Huyền – Phạm Ngọc Lân – Phan Thị Nguyệt Minh (Điều phối viên quốc gia UNDP/GEF SGP; nguyên Phó chủ tịch LHH KHKT Thanh Hóa, Phó viện trưởng Viện IAP)