Hà Nội: Xác định vùng sản xuất và tiêu chí sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

BVR&MT – UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định số 3215/QĐ-UBND xác định vùng sản xuất và tiêu chí sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp với 35 vùng lúa chất lượng cao, 66 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. 

Phát triển vùng sản xuất trồng hoa nhài tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Theo đó, TP. Hà Nội xác định các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung về vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao, vùng sản xuất hoa, cây cảnh, vùng sản xuất chè chất lượng cao, vùng nuôi trồng thủy sản, xã chăn nuôi lợn trọng điểm, xã chăn nuôi bò, xã chăn nuôi gia cầm.

Xem thêm:

Tăng cường phát triển thủy lợi nội đồng tiên tiến, tiết kiệm nước

Cụ thể như sau, UBND TP. Hà Nội xác định các vùng chuyên canh tập trung như: 35 vùng lúa chất lượng cao với tổng diện tích quy hoạch là 54.952ha (diện tích hiện có 22.340ha); 104 xã (vùng)  sản xuất rau an toàn trên địa bàn 18 huyện, thị xã và 01 quận Hà Đông có tổng diện tích quy hoạch 6.685 ha (diện tích hiện có 2.696 ha); 56 vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao có tổng diện tích quy hoạch 11.091ha (diện tích hiện có 4.275ha); 19 vùng sản xuất hoa, cây cảnh có diện tích quy hoạch 1.616ha (diện tích hiện có 996 ha); 06 vùng sản xuất chè chất lượng cao có diện tích quy hoạch 2.050 ha (diện tích hiện có 980 ha).

Về chăn nuôi, 66 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có diện tích quy hoạch 9.167ha (diện tích hiện có 5.397 ha); Phát triển đàn lợn tại các xã chăn nuôi lợn trọng điểm thuộc 08 huyện: Ứng Hòa, Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây, Gia Lâm, Mỹ Đức, Đan Phượng, Quốc oai lên 1.285.354 con (hiện có 808.361 con); Phát triển đàn bò thịt trọng điểm lên 143.850 con tại một số xã thuộc huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Ứng Hòa, Sơn Tâ, Đông Anh, Đan Phượng, Phú Xuyên; Phát triển đàn gia cầm trọng điểm lên 16.836.130 con tại một số xã thuộc huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Oai, Sơn Tây, Phú xuyên, Đông Anh, Mỹ Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Đan Phượng, Mê Linh; Phát triển 48 khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư với diện tích 1.424,5 ha; Phát triển 625 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư (hiện có 283 trang trại).

Trong Quyết định có ban hành các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP. Hà Nội. Các tiêu chí được quy định trong văn bản này sẽ mặc nhiên được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành do các cơ quan Trung ương điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế.

Tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt

Các điều kiện cần đáp ứng đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt: Cơ sở sản xuất giống cây trồng nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các điều kiện sau: Đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 03 năm 2004, Thông tư số 18/2012/TTBNNPTNT ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ứng dụng công nghệ sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; sản xuất giống trong nhà màng, nhà kính có hệ thống kiểm soát và điều tiết nhiệt độ, ấm độ, ánh sáng; ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa hoặc bán tự động trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Sản xuất quy mô công nghiệp, chất lượng đạt quy chuẩn kỹ năng đối với từng loại giống cây trồng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sản xuất khoai tây hữu cơ tại Đông Anh, TP. Hà Nội.

Vùng sản xuất rau, hoa, quả, chè ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các điều kiện sau: Thuộc vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung của TP Hà Nội. Có quy mô sản xuất từ 20 ha trở lên đối với hoa; 30 ha trở lên đối với cây rau, cây chè và cây ăn quả, trong đó có 70% các diện tích sản xuất trong vùng trở lên được các hộ đăng ký đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các hộ sản xuất trong vùng được tổ chức thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp hoặc có hợp đồng hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định với doanh nghiệp. Có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường.

Trang trại, hộ gia đình sản xuất rau, hoa, quả, chè ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các điều kiện sau: Trang trại, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp trong vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung của Thành phố. Trang trại phải đạt tiêu chí theo quy định tại khoản 1, điều 5 Thông tư số 27/2011/TT- BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có tối thiểu 01 người làm trực tiếp trong một cơ sở (hộ, trang trại) sản xuất có trình độ chuyên môn kỹ thuật sản xuất trồng trọt từ trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ đào tạo nghề sản xuất trồng trọt ứng dụng, công nghệ cao.tiêu chí sản xuất nông nghiệp.

Tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi

TCác điều kiện cần đáp ứng đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bao gồm: Chăn nuôi một loại gia súc, gia cầm đạt số lượng: 150 con bò sữa trở lên; 300 con bò sinh sản và bò thịt trở lên; 10.000 con lợn sinh sản và lợn thịt trở lên; 50.000 con gà trở lên. Các tổ chức, cá nhân trong khu chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao được tổ chức thành hợp tác xã, doanh nghiệp hoặc có hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định với tổ chức, cá nhân khác. Có hệ thống thu gom, quản lý chất thải; thu gom, xử lý nước thải chung trong khu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường.

Khu Chuồng Bầu Mô Hình Chăn Nuôi Lợn Khép Kín Theo Hướng Hữu Cơ
Chăn nuôi lợn khép kín theo hướng hữu cơ.

Trang trại, hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các điều kiện sau: Trang trại trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung của Thành phố, đáp ứng điều kiện theo quy định tại Thông tư số 27/2011/TTBNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ NN&PTNT; hộ gia đình sản xuất trong khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Trang trại, hộ sản xuất trong khu chăn nuôi có tối thiểu 01 người làm trực tiếp có trình độ chuyên môn kỹ thuật về chăn nuôi, thủy sản từ trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ đào tạo về chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Thực hiện ứng dụng các thiết bị, công nghệ sau: Sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, an toàn dịch bệnh đảm bảo các tiêu chuẩn về giống theo quy định; sử dụng các giống ưu thế lai, sản phẩm giống công nghệ cao như: Tinh phân ly giới tính, tinh đông lạnh, cấy truyền phôi.

Ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến (hệ thống chuồng kín điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; hệ thống chuồng trại đảm bảo chắc chắn, thông thoáng, dễ vệ sinh, có hệ thống chống nóng vào mùa hè, chống lạnh vào mùa đông; hệ thống máng ăn, máng uống, thu gom trứng tự động hoặc bán tự động, thiết bị chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh, thiết bị vắt sữa tự động, thiết bị bảo quản sữa; ứng dụng phần mền quản lý trong việc nuôi dưỡng, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh) phù hợp với từng đối tượng vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Sử dụng các loại thức ăn công nghiệp, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn vi sinh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của gia súc, gia cầm. Công nghệ chuẩn đoán nhanh bệnh đối với vật nuôi, các loại vắc xin, thuốc thú y, chế phẩm sinh học ó nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, liều lượng theo quy định trong phòng, chống dịch bệnh. Có hệ thống thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường.

Các cơ quan, đơn vị căn cứ danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn TP. Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP. Hà Nội quy định tại Quyết định số 3215/QĐ-UBND này để hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP. Hà Nội.

Văn Trì