BVR&MT – Rừng có vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và sự sống của con người, thấy được hậu quả của hành vi vi phạm đến quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản sẽ dẫn đến đê dọa sự sống trên toàn trái đất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp đã có nhiều chủ trương, chính sách pháp luật và biện pháp tích cực để bảo vệ rừng, tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu thì quản lý rừng, bảo vệ rừng là việc làm vô cùng quan trọng. Rừng là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, rừng không những là cơ sở phát triển kinh tế – xã hội mà còn giữ chức năng cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu, đảm bảo chu chuyển oxy và các nguyên tố cơ bản khác trên hành tinh, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, hạn chế lũ lụt, hạn hán, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, làm giảm nhẹ mức tàn phá khốc liệt của các thiên tai, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm mức ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sự sống, bảo vệ sức khỏe của con người…
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp đã có nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, và biện pháp tích cực nhằm bảo vệ rừng và phát triển rừng, đồng thời nâng cao đời sống của nhân dân ở những nơi có rừng như: giao đất lâm nghiệp, khoán quản lý bảo vệ rừng, quy chế quản lý rừng phòng hộ, quy chế hưởng lợi… Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Chủ yếu là do: áp lực về dân số ở vùng có rừng tăng nhanh, nghèo đói, hoàn cảnh khó khăn, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên rừng, trình độ dân trí vùng sâu, xa còn thấp, kiến thức bản địa chưa được phát huy, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm chưa phát triển, chính sách Nhà nước về quản lý rừng cộng đồng còn bất cập, cơ cấu xã hội truyền thống có nhiều thay đổi…
Là một tỉnh miền núi phía Bắc, diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.868 km2, chiếm 1,78% diện tích cả nước, trong đó diện tích rừng có khoảng 376.000 ha, độ che phủ rừng đạt 63,5%. Tài nguyên rừng Tuyên Quang có giá trị kinh tế, đa dạng sinh học cao, phong phú về loài với 760 loài của 349 chi, 126 họ thuộc 8 ngành thực vật bậc cao; 8 loài thực vật quý hiếm trong danh mục sách đỏ Việt Nam.
Rừng đã góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng diện tích rừng có nơi bị thu hẹp, tài nguyên rừng bị khai thác bừa bãi, đất trở thành đồi trọc, sa mạc, nước mưa tạo thành những dòng lũ lớn rửa trôi chất dinh dưỡng, gây lũ lụt, sạt lở ở nhiều vùng gây thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân; tình trạng phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp, săn bắt, mua bán, kinh doanh, giết mổ động vật hoang dã diễn ra hết sức phức tạp. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang. Trong năm 2015, lực lượng Kiểm lâm đã chủ động kiểm tra, phát hiện và xử phạt hành chính 820 vụ (giảm 161 vụ so với cùng kỳ năm 2014), tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách 3.445.212.400 đồng . Mặc dù số vụ vi phạm có giảm, nhưng số vụ vi phạm có tính chất phức tạp diễn ra ở nhiều nơi, những cố gắng trong ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chưa tạo được chuyển biến căn bản.
Trong quá trình áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính để xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của những chủ thể có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh: lực lượng kiểm lâm; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; của lực lượng thanh tra chuyên ngành; của Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường cũng gặp phải những khó khăn nhất định.
Đối tượng vi phạm chủ yếu là dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn. Tư duy lạc hậu theo thói quen sống dựa vào sản phẩm sẵn có từ rừng nên vẫn khai thác những nguồn lợi sẵn có từ rừng để duy trì kinh tế cho bản thân và gia đình. Nhiều đối tượng vi phạm không biết chữ, chưa nói rõ tiếng kinh, họ chỉ sử dụng tiếng dân tộc để giao tiếp mà cán bộ có thẩm quyền xử lý vi phạm không phải ai cũng biết và hiểu rõ tiếng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đó là chưa kể đến cán bộ của tỉnh, của huyện xuống nằm vùng. Việc xử lý những đối tượng vi phạm trong trường hợp này phải thông qua người thứ ba, tạm gọi là “người phiên dịch”, nhưng trong trường hợp này “người phiên dịch” chưa được pháp luật hành chính quy định rõ là điều kiện “hành nghề” của họ ra sao. Thông thường trong quá trình xử lý cán bộ có thẩm quyền phải nhờ người dân vừa biết tiếng kinh vừa biết tiếng dân tộc của đối tượng vi phạm để giải thích hộ nên tính chính xác trong vấn đề xác định căn cứ pháp lý: thu thập thông tin, xác định lý lịch, xác định nguồn gốc tài sản, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm, các tình tiết có liên quan…. Chỉ phụ thuộc vào “người phiên dịch” bản địa. Phần lớn cán bộ có thẩm quyền dựa vào kinh nghiệm để xử lý.
Về nguyên tắc, khi phát hiện có hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền đình chỉ ngay hành vi vi phạm, ra quyết định xử phạt tại chỗ, hoặc lập biên bản, ra quyết định xử phạt nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của mình. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền thì sau khi lập biên bản phải chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm đến người có thẩm quyền giải quyết (theo quy định tại điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013) trong thời hạn là 5 ngày kể từ ngày lập biên bản theo khoản 3 điều 25 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong khi khoản 1 điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày”. Vậy nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền của người lập biên bản mà phải chuyển hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền giải quyết thì thời hạn trên phải tính như thế nào. Việc ra quyết định xử phạt của người có thẩm quyền khi nhận được hồ sơ của người phát hiện ra hành vi vi phạm lập biên bản rồi chuyển toàn bộ hồ sơ đến tính từ thời điểm nhận hồ sơ hay từ ngày lập biên bản. Thực tế chưa có quy định rõ về nội dung này dẫn đến khó khăn nhất định đối với người có thẩm quyền trong việc áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Việc áp dụng các hình thức xử phạt hành chính cũng có khó khăn nhất định, Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 có quy định về Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng, điểm d, khoản 1: “Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính)” và hình thức xử phạt này có thể được áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính. Trong khi tại điểm c, khoản 6, điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định: “Phương tiện gồm: Các loại xe cơ giới đường bộ, xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ, súc vật, tàu thủy, ca-nô, thuyền, các phương tiện khác được sử dụng vận chuyển lâm sản trái pháp luật”. Thực tế đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này chủ yếu là người dân bản địa, vậy nếu những phương tiện trên đối tượng dùng để vi phạm hành chính trong quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản mà những phương tiện này là phương tiện chính để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình đối tượng vi phạm thì có tịch thu không, vấn đề nữa là công tác bảo quản những phương tiện này cũng gặp khó khăn nhất định. Có trường hợp người vi phạm đã sử dụng trâu kéo vào việc vận chuyển lâm sản trái phép, nhưng khi tạm giữ và tịch thu loại phương tiện này thì cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực và kinh phí cho việc chăm sóc, quản lý “phương tiện” này, nếu thuê người chăm sóc thì không có nguồn kinh phí để bù đắp, lực lượng có thẩm quyền cũng không đủ để giám sát người chăn dắt, quản lý loại “phương tiện” này.
Việc xử lý tang vật vi phạm là lâm sản (chủ yếu là gỗ các loại) trong quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trong tỉnh cũng có những vướng mắc. Hầu hết tang vật là lâm sản của các vụ vi phạm đều nằm trong rừng sâu, đi lại là rất khó khăn, có nhiều vụ vi phạm không thể đưa tang vật ra khỏi nơi vi phạm để thực hiện các bước theo quy định. Đối với những vụ vi phạm có khối lượng lâm sản nhiều, kích cỡ lớn, không thể vận chuyển ra khỏi hiện trường vi phạm vì không có xe chuyên dụng. Các đối tượng vi phạm chủ yếu dùng súc vật kéo, xe thô sơ, xe tự chế để vận chuyển. Nếu lực lượng có thẩm quyền xử lý phải thuê người dân bản địa vận chuyển đến kho lưu giữ theo kiểu thủ công như vậy thì kinh phí bỏ ra đôi khi vượt quá cả giá trị tài sản lực lượng có thẩm quyền thu giữ được.
Vấn đề áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1, điều 4 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định: “Buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính” thực tế biện pháp này có áp dụng nhưng đối tượng vi phạm không có điều kiện để thực hiện. Làm cho pháp luật không phát huy được hiệu quả điều chỉnh trong thực tế.
Lực lượng phát hiện trực tiếp các hành vi vi phạm thẩm quyền xử lý thấp. Ví dụ theo khoản 1 điều 26 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11 /2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền xử phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng. Nhưng phần lớn những vụ việc vi phạm khi phát hiện đều vượt quá thẩm quyền, lực lượng kiểm lâm phát hiện lập biên bản và chuyển toàn bộ hồ sơ đến người có thẩm quyền để xử lý vụ việc trong khi hoạt động phối hợp giữa các đơn vị có liên quan cũng gặp những khó khăn nhất định bởi Tuyên Quang là nơi có địa hình rừng núi phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe núi, suối, sông… nhiều đơn vị có chức năng phối hợp ở cách xa nhau lực lượng có thẩm quyền phải đi mất cả ngày đường mới đến được đơn vị phối hợp nên việc đảm bảo đúng thời hiệu, thời hạn xử lý theo quy định của pháp luật cũng có hạn chế nhất định.
Hoạt động thi hành quyết định xử phạt đôi khi chưa được thực hiện triệt để vì đối tượng vi phạm chủ yếu là đối tượng có điều kiện kinh tế khó khăn. Người có thẩm quyền đôi khi phải linh hoạt trong việc vận dụng các quy định của pháp luật là áp dụng mức thấp nhất trong khung hình phạt (không thấp hơn mức tối thiểu của khung hình phạt), nhưng nhiều đối tượng vi phạm vẫn không có điều kiện để thi hành. Việc “đốc thu” như kiểm lâm viên ở đây vẫn hay gọi là việc làm khó khăn nhất vì có khi đi hàng ngày đường đến được nhà của đối tượng vi phạm để đôn đốc thực hiện quyết định xử phạt nhưng họ không có điều kiện để thi hành quyết định xử phạt. Như vậy, ngoài giáo dục thì mục tiêu của xử lý vi phạm là răn đe (trừng phạt về kinh tế) với đối tượng vi phạm là khó có thể thực hiện được.
Những khó khăn nêu trên trong hoạt động áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của nhiều lực lượng khác nhau xong lực lượng chủ yếu là đối tượng kiểm lâm nhận thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật xử lý trong lĩnh vực này là do: trình độ dân trí của người dân bản địa ở những nơi có rừng còn thấp, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng chưa cao, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được mô hình phát triển kinh tế phù hợp, nên người dân vẫn bám rừng để sống; văn bản pháp luật quy định trực tiếp về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này có điểm vận dụng vào thực tiễn ở địa phương chưa thực sự phù hợp; biên chế của lực lượng Kiểm lâm thiếu, một số còn hạn chế về sức khỏe, năng lực, cơ sở vật chất trang bị thiếu thốn nên ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Biện pháp
Để hoạt động áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ở Tuyên Quang trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, dưới góc độ nghiên cứu và nhìn nhận từ thực tiễn tác giả đưa ra một số giải pháp như sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Hoạt động này cần phải tiến hành thường xuyên, có sự tham gia của nhiều đơn vị, ở cơ sở nên chủ động triển khai các biện pháp chống chặt phá rừng trên địa bàn quản lý; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, Đảng viên, các Trưởng thôn, bản thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, giáo dục thành viên trong gia đình, dòng họ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia tố giác các đối tượng vi phạm. Nội dung tuyên truyền nên thực hiện theo chủ đề, trong khi thực hiện nên nhấn mạnh đến vai trò của rừng, quyền lợi của người dân, của quốc gia, dân tộc từ rừng, nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ rừng. Hoạt động tuyên truyền nên bám sát những nội dung văn bản luật mới được ban hành trong bảo vệ và phát triển rừng, hình thức thực hiện cần phong phú và đa dạng. Tuyên truyền không chỉ là đọc đơn thuần những nội dung sẵn có của luật mà cần có ví dụ cụ thể để chứng minh cho từng vấn đề cần nhấn mạnh. Thời điểm tuyên truyền cũng cần phải lưu ý, tránh ngày mùa để bà con đến dự đông đủ. Không chỉ tuyên truyền trực tiếp mà nên có áp phích, pa nô, biển báo, băng rôn khẩu hiệu, qua loa đài phát thanh ở cơ sở, tăng cường thời lượng và phóng sự nói về vai trò của rừng để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng. Hợp tác với lực lượng có thẩm quyền trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát lâm sản, nhất là các địa bàn trọng điểm, các vùng giáp ranh có nguy cơ bị xâm hại cao để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm; Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân đội, các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; đặc biệt phối hợp với các lực lượng có liên quan để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động lâm sản nhất là những ngày nghỉ lễ, tết; tập trung lực lượng để ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên trái phép. Xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền.
Các cấp ủy và chính quyền địa phương cần có định hướng kế hoạch phát triển kinh tế phù hợp cho người dân sống ở ven rừng, có chính sách phát triển rừng bền vững, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng với khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả tài nguyên rừng; kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng, làm giàu rừng với bảo vệ diện tích rừng hiện có; kết hợp lâm nghiệp với nông nghiệp và ngư nghiệp; đẩy mạnh trồng rừng kinh tế gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm rừng.
Tích cực bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng công chức hiện có. Để áp dụng đúng đắn pháp luật, công chức có thẩm quyền xử lý trực tiếp hơn ai hết phải là người am hiểu pháp luật, bên cạnh đó cũng nên bồi dưỡng cho công chức về ngôn ngữ của người dân địa phương, trong những trường hợp xử lý phải hiểu được cả phong tục, tập quán, ngôn ngữ của người địa phương để không chỉ xử phạt đối tượng vi phạm mà còn vận động, thuyết phục, giải thích cho người dân hiểu về chính sách bảo vệ và phát triển rừng.
Đầu tư, trang bị hơn nữa về cơ sở vật chất cho lực lượng có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, nhất là lực lượng kiểm lâm như: súng, xe chuyên dụng, máy móc khác có chức năng thẩm định…; tăng thêm kinh phí về quản lý “phương tiện” trong trường hợp tịch thu mà phải có lực lượng tham gia quản lý; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp những quy định về pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản như công chức của ngành nhận thấy trong thực tiễn.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và sự nỗ lực của cán bộ, công chức ngành kiểm lâm, cùng với sự phối hợp hỗ trợ tuần tra, xử lý của các cấp, các ngành, việc áp dụng pháp luật của các ngành chức năng trong xử lý vi phạm hành chính trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ở Tuyên Quang đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để lực lượng kiểm lâm và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt hơn nữa chức năng, thẩm quyền của mình trong lĩnh vực này thiết nghĩ phải thực hiện tốt và đồng các giải pháp nêu trên.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị định Số: 40/2015/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 27 tháng 04 năm 2015, Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 157/2013/NĐ-CP, ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định sử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. |
Nguyễn Thị Mai
Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang